+
Aa
-
like
comment

“Độc lập” hay “đối lập”

Bảo An - 06/11/2021 14:33

Gần đây, cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” tung ra thư ngỏ về việc đề nghị cơ quan chức năng quy định chi tiết về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo Bộ luật Lao động năm 2019. Mới nghe, tưởng chừng như tổ chức này đang tích cực hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Vậy nhưng khi tìm hiểu kỹ mới thấy đây là một tổ chức núp bóng bảo vệ người lao động để thực hiện mục đích xấu.

Với dòng giới thiệu “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” là tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi, được sáng lập từ nhu cầu thực tiễn và theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tôn chỉ hoạt động của nghiệp đoàn là Đoàn kết – Tượng trợ – Phát triển”, cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” đã nhận được không ít sự chú ý.

Vậy bản chất thực sự của tổ chức này là gì?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, ngoài công đoàn, người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động phải được thành lập theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Đồng thời, hoạt động của các tổ chức này phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.

Đối chiếu với quy định trên, dễ dàng nhận thấy cái gọi là “Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam” không đáp ứng yêu cầu. Tổ chức này được thành lập một cách tự phát. Để huyễn hoặc người lao động, tổ chức này liên tục công kích Công đoàn Việt Nam, cho rằng công đoàn hoạt động không hiệu quả, không sát sao với người lao động, không nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của người lao động?! Cùng với đó, họ cũng không ngần ngại rêu rao sẽ không chịu sự quản lý, điều hành, chỉ đạo, lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào (trong khi đó, Hiến pháp Việt Nam quy định rõ Đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội). Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra nhiều luận điệu dân tuý, lợi dụng những khó khăn nhất định của người lao động để “khóc mướn”, tỏ vẻ đồng cảm. Vậy nhưng “miệng nói” mà “tay không làm”, từ khi thành lập đến nay, tổ chức này chưa giúp ích gì được cho người lao động. Ngoài ra, khi tìm hiểu về tổ chức này, có thể thấy nó có mối quan hệ lớn với các tổ chức chống phá Việt Nam như Nghiệp đoàn FO, Lao Động Việt, Nhóm Bạn Công Nhân (thuộc Việt Tân), Luật Khoa Tạp Chí, Hội Nhà Báo Độc Lập, Tiếng Dân… Dễ dàng thấy được đây là một tổ chức trá hình núp bóng bảo vệ người lao động để mị hoặc mọi người lao động.

Trong thời gian qua, lợi dụng quyền lập hội, các cá nhân, tổ chức chống phá đã ráo riết truyền bá về việc thành lập các tổ chức “độc lập”, “không chịu sự quản lý của nhà nước”. Mục đích sâu xa của những kẻ này là thông qua các hội, nhóm sẽ tập hợp lực lượng, tiến tới thành lập các tổ chức chính trị đối lập với Việt Nam. Khi điều kiện chín muồi, các tổ chức này sẽ tiến hành biểu tình, bạo loạn, thực hiện các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” để lật đổ chế độ.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động, thời gian qua nhà nước luôn quan tâm vấn đề này. Để phù hợp với các quy định chung của luật pháp quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước, ngày 20/11/2019, Bộ luật Lao động mới đã được ban hành thay thế cho Bộ luật Lao động năm 2012. Trong đó, quy định về việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nhận được nhiều sự chú ý. Theo quy định, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các tổ chức đại diện người lao động bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Việt Nam luôn tôn trọng quyền lập hội của người dân. Ngay trong Hiến pháp cũng quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25). Không chỉ riêng tổ chức bảo vệ người lao động, bất kỳ hội nào được thành lập theo đúng quy định của pháp luật đều được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Ngược lại, các hội, nhóm, tổ chức chống phá chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Bảo An 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều