‘Độc chiêu’ trồng rau quả từ sữa chua hết ‘đát’
Với việc tái sử dụng nguồn thực phẩm thừa cùng sữa chua hết hạn để làm phân bón và chế phẩm sinh học không hóa chất, thuận tự nhiên, những quả dưa lê Hàn Quốc của anh Kim Nam (Nghệ An) được nhiều người biết đến…
Với 11 năm kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thủy canh, năm 2016, anh Nguyễn Kim Nam, trú tại xóm 3, xã Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) từ miền Nam trở về quê hương với mục đích phát triển kinh tế bằng nông nghiệp sạch.
Bắt đầu khoanh vùng làm nông nghiệp trên diện tích 3.000m2 để trồng các loại củ quả theo mùa, anh luôn trăn trở làm sao khi canh tác, sản phẩm sẽ đạt năng suất, chất lượng cao trên cùng một đơn vị diện tích và đặc biệt theo hướng thuận tự nhiên nhất. Suy nghĩ tích cực đã thôi thúc anh đi tìm hiểu cách làm trang trại công nghệ cao.
Cùng với hệ thống nhà màng hơn 1.000m2 trồng các loại rau củ quả theo mua theo hướng thủy canh và hữu cơ như: Dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột bao tử, rau cải bó xôi, hành hoa…đạt tiêu chuẩn VietGap, anh Nam tiếp tục mày mò, nghiên cứu qua mạng Internet, học hỏi từ các đồng nghiệp và cách tạo ra chế phẩm vi sinh bản địa IMO để giảm lượng sâu bệnh, tăng năng suất và cho ra những quả dưa chất lượng cao.
“Tôi làm chế phẩm vi sinh từ nước đã khử Clo, cám gạo, rỉ mật, men rượu giã nát, chuối chín, đặc biệt là sữa chua hết hạn bởi chứa nhiều vi khuẩn lên men có lợi”, anh Nam nói.
Theo đó, những hỗn hợp làm chế phẩm vi sinh được khuấy đều và đậy nắp nhưng vẫn để chỗ cho oxi có thể vào. Sau 2 3 ngày phải kiểm tra và khuấy 1 lần, nếu ngửi thấy mùi chua và ngọt, trên mặt thùng xuất hiện bọt khí là được. Sau 20 ngày lấy hỗn hợp pha loãng với nước sạch theo tỉ lệ 1 -10 và phun thử vào rác, nếu hết mùi sẽ thành công.
Loại chế phẩm này có thể đổ vào phân chuồng làm phân nhanh phân hủy; thêm với cá thối để ủ thành đạm tưới cây; tưới lên môi trường để khử khuẩn; trộn với ớt cay, gừng, lá mồng tơi giã nhuyễn để phun lên lá phòng trừ sâu bệnh.
Theo anh Nam, sau khi áp dụng chế phẩm vi sinh này vào sản xuất hơn 1 năm qua thì anh nhận thấy nếu như phân chuồng phải ủ 6 tháng mới hoai mục thì chế phẩm này có thể rút gọn xuống còn khoảng 2 tháng. Hơn nữa còn đảm bảo lượng phân hữu cơ thường xuyên để sản xuất, giảm được sâu bệnh và chi phí đầu tư khác vào cây trồng, đem lại thực phẩm sạch hoàn toàn tự nhiên.
Với “độc chiêu” làm nông nghiệp sạch, rau củ quả theo mùa của vườn anh Nam luôn đắt khách, có bao nhiêu được thu mua hết đến đó. Đặc biệt, 500m2 chuyên trồng dưa lê và dưa lưới Hàn Quốc cho quả vàng ngọt lịm quanh năm, không đủ phục vụ cho người tiêu dùng địa phương.
Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết, anh Nguyễn Kim Nam là một trong những người phát triển nông nghiệp sạch tại địa phương bằng phương pháp tạo ra một nhóm vi khuẩn có lợi từ sữa chua và một số thực phẩm khác trong quá trình lên men để xử lý những loại vi khuẩn có hại trong tự nhiên.
Trong khi nhà nước đang vận động người dân sản xuất thực phẩm sạch, nói không với thực phẩm bẩn thì việc lấy những phụ phẩm xung quanh ta để chế ra các phân hữu cơ vừa thân thiện với môi trường, vừa cho ra thực phẩm sạch là một cách làm rất hay.
“Hy vọng rằng mô hình này sẽ nhân rộng và phát triển hơn nữa để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, giá trị cao và có chỗ đứng vững trên thị trường”, ông Thắng nói.
PV/DV