Doanh nhân với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường
Thực hiện được 4 từ khóa dành cho kinh tế tư nhân mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đem hết tinh thần, của cải, sức lực để kinh doanh, vừa phát huy năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân, vừa góp phần thực hiện khát vọng dân tộc hùng cường, tỏa sáng niềm tự hào, phẩm chất và cốt cách Việt Nam.
Trước ngày khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một đại biểu của thành phố Hà Nội tham dự Đại hội, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ những suy nghĩ về phát triển kinh tế tư nhân đóng góp vào khát vọng Việt Nam hùng cường 2045.
Năm 2019, được Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, những ngày cuối năm 2020, tiếp tục là đại biểu của đoàn Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, người sáng lập của DOJI cho rằng, đây là những vinh dự, nhưng cũng đặt ra một trách nhiệm nặng nề hơn.
“Sự đánh giá, ghi nhận này là về cả một quá trình, cả một đời người, không phải ngày một, ngày hai. Sự đánh giá ấy cũng không chỉ một mặt hay một khía cạnh: Một doanh nhân ưu tú chưa chắc đã là một công dân ưu tú”, ông nói.
4 ‘từ khóa’ của Thủ tướng cho kinh tế tư nhân
Sáng lập, làm chủ và lãnh đạo một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, cá nhân ông nghĩ sao về vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong bối cảnh đất nước ngày nay?
Ông Đỗ Minh Phú: Vấn đề không phải là họ tự đánh giá như thế nào, mà là xã hội đánh giá họ ra sao. Trước đây, kinh tế tư nhân là một khái niệm xa lạ, thậm chí bị kỳ thị cả trong chính sách và trong đời sống xã hội, tư nhân bị coi như đối lập với tập thể, với xã hội. Nay thì cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân đã có rất nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Đại hội X của Đảng năm 2006 xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, Đại hội XI năm 2011 đánh giá kinh tế tư nhân là một động lực. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nhìn nhận kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Đó là những đánh giá khác biệt, đặt kinh tế tư nhân vào một vị thế khác hẳn.
Thực tế thì kinh tế tư nhân đã tham gia vào những đầu tàu kéo nền kinh tế tiến lên phía trước, cùng với kinh tế nhà nước-kinh tế tập thể và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trở thành 3 trụ cột của nền kinh tế nước nhà. Năm 2006, chúng ta chưa thể nói được như vậy, nhưng tới nay thì vai trò và sự đánh giá của xã hội với kinh tế tư nhân đã khác hẳn. Kinh tế tư nhân đã được đặt đúng vào vai trò và vị trí của mình. Cuối năm 2019, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% vào thu ngân sách, đây là chưa thống kê được hết đóng góp của kinh tế hộ gia đình. Và quan trọng nữa là kinh tế tư nhân đã tạo ra tới 85% việc làm cho nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân cũng không chỉ tham gia ở những ngành thâm dụng lao động hay công nghệ giản đơn, mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào những công đoạn phức tạp, giá trị gia tăng cao. Tôi tin nếu tạo điều kiện hơn nữa, cởi trói hơn nữa, chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc dân.
Nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân, trong đó nhấn mạnh tinh thần đổi mới, cải cách, cởi trói cho kinh tế tư nhân, giải phóng mọi nguồn lực phát triển. Khái quát lại, ông ấn tượng nhất với quan điểm nào của Thủ tướng về phát triển kinh tế tư nhân?
Ông Đỗ Minh Phú: Thủ tướng đã nhắc tới 3 phẩm chất của doanh nhân trong thời đại mới, đó là chí tiến thủ, tinh thần kinh doanh liêm chính và lòng yêu nước. Thủ tướng cũng nói tới 4 từ khóa cho kinh tế tư nhân.
Trước hết, là từ BÌNH ĐẲNG. Đầu những năm 1990, tôi từ cơ quan nhà nước đi ra ngoài để làm kinh tế tư nhân, khi ấy khái niệm kinh tế tư nhân bình đẳng, cả trong nhận thức, cả trong đối xử, là chưa có. Do đó, yêu cầu đầu tiên là bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trước pháp luật, trong cách đánh giá, cách nhìn nhận, trong tiếp cận nguồn lực.
Từ khóa thứ hai là BẢO VỆ, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, nếu làm đúng thì pháp luật phải bảo vệ họ, không thể có chuyện sách nhiễu chỉ vì họ là doanh nghiệp tư nhân. Phải bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật.
Thứ ba, họ phải được KHÍCH LỆ, được tôn vinh, khuyến khích, làm cho họ thấy tự hào khi làm ra sản phẩm tốt, tạo ra công ăn việc làm cho người dân, chứ không phải bị coi là con buôn, con phe, không phải là gian thương.
Từ khóa thứ tư, đó là trao CƠ HỘI để có thể làm được những việc mà từ trước đến nay tư nhân chưa được làm và chưa được tin tưởng để làm, trao cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm…
Tôi nghĩ rằng mọi vấn đề cơ chế, chính sách với kinh tế tư nhân đều gói gọn trong 4 từ khóa đó và nếu làm được, thì chắc chắn họ sẽ đem hết tinh thần, của cải, sức lực để kinh doanh. Nếu con tầu kinh tế tư nhân đủ tải trọng và có tác động phù hợp thì nó đi rất nhanh. Còn nếu họ cảm thấy chưa được được bình đẳng, chưa được trao cơ hội hoặc chưa được khích lệ một cách đầy đủ, không được bảo vệ một cách chắc chắn, thì rất khó để họ có thể toàn tâm toàn ý kinh doanh được.
Khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng doanh nghiệp dân tộc
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng cũng nhiều lần kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước về các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, thưa ông?
Ông Đỗ Minh Phú: Các doanh nghiệp tư nhân ngày nay kinh doanh không chỉ bằng ý chí. Họ tích lũy được các kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và học hỏi kiến thức trên khắp thế giới. Nhưng nhiều khi những góp ý, phản biện của họ lại chưa tới được những người làm chính sách.
Trong khi đó, vẫn còn tình trạng là cơ quan xây dựng chính sách theo hướng dễ, tiện cho việc quản lý, quản tới đâu làm chính sách tới đó, nhiều chính sách không chỉ không đi vào cuộc sống mà còn tạo ra rào cản, chưa nói đến tình trạng “tham nhũng chính sách” mà Thủ tướng nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở.
Thậm chí, có những bất cập được chỉ ra thì lại có những ý kiến nói rằng “chẳng lẽ chính sách vừa ban hành đã sửa”. Nếu các cơ quan nhà nước không chủ động, chậm trễ trong việc sửa đổi các bất cập sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp, làm lụi tàn đi ngọn lửa kinh doanh.
Điều đáng mừng, một trong những nội dung được nhấn mạnh trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng là đột phá về thể chế, tất nhiên, để hoàn thiện được thể chế là một chặng đường dài và còn rất nhiều việc phải làm – cả về phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân.
Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra hai tầm nhìn 100 năm, cụ thể là 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm lập nước vào năm 2045. Nhiều người đã nhắc tới khái niệm doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc. Ông nghĩ sao về đóng góp của đội ngũ này cho khát vọng về một Việt Nam tự cường, thịnh vượng vào năm 2045 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nói tới?
Ông Đỗ Minh Phú: Cách đây khoảng 10 năm thôi, có thể nói các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nhìn chung còn phải bươn chải rất khó khăn, tìm chỗ đứng trên thị trường, “chạy ăn từng bữa”, nhưng đến nay, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn lực đáng kể, cùng với năng lực công nghệ, sự hiểu biết… Họ không còn dừng lại ở mục tiêu lo miếng cơm manh áo cho gia đình, hay lo công ăn việc làm cho công nhân, mà đã đến lúc họ khát vọng những điều lớn lao hơn cho cộng đồng, cho dân tộc, với tầm nhìn dài hạn hơn. Mà muốn làm việc lớn thì phải khơi dậy tinh thần, khát vọng.
Doanh nhân rất nổi tiếng của Việt Nam, Bạch Thái Bưởi, là một tấm gương cho thấy, nếu không có niềm tự hào dân tộc, khát vọng dân tộc, hay nói khác đi là không có tinh thần doanh nghiệp dân tộc, doanh nhân dân tộc, thì chúng ta khó có thể vươn lên mạnh mẽ hơn, đóng góp vào khát vọng hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu của đất nước.
Điểm đầu tiên phải là khát vọng, nhưng muốn nuôi dưỡng được khát vọng thì phải làm được 4 từ khóa mà tôi đã nói ở trên, nếu không thì khát vọng đó sẽ sớm lụi tàn. Một đất nước hùng cường thì kinh tế trước hết phải thịnh vượng. Người Việt Nam yêu nước nhưng cách thể hiện của mỗi người có thể khác nhau: Cũng như người lính ở chiến trường, người lính nơi thương trường có cách thể hiện lòng yêu nước riêng của họ.
Khát vọng của doanh nhân phải được vun đắp, tạo điều kiện để bùng cháy và tôi nghĩ bây giờ là thời điểm thích hợp nhất, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Với trí tuệ và sự cần cù của người Việt, cơ đồ, tiềm lực và vị thế, uy tin ấy có thể tốt hơn nữa, vẻ vang hơn nữa nếu chúng ta biến được khát vọng hùng cường ấy của toàn dân tộc thành lực lượng vật chất, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân. Đây chính là đội ngũ phải chung tay, kề vai để hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước.
‘Cuộc chiến’ mỗi ngày
Nói về bản lĩnh và khát vọng, ông đã nhiều lần tiến hành các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp lớn trong những thời điểm mà “thời tiết” kinh doanh hết sức căng thẳng. Nhiều người băn khoăn, đó là bản lĩnh hay là sự liều lĩnh?
Ông Đỗ Minh Phú: Người bản lĩnh chấp nhận rủi ro, không sợ đương đầu với khó khăn, nhưng đưa ra quyết định trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, lường trước và có phương án phù hợp với các thử thách. Tất nhiên, họ có thể có những giai đoạn bị những tác động rất tiêu cực của môi trường xung quanh, nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Bởi họ tính toán khác số đông.
Năm 2008, giữa thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chúng tôi quyết định mua một số công ty trong ngành gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng… Chúng tôi đánh giá quyết định này đã giúp rút ngắn được thời gian phát triển 20 năm. Trước thương vụ, doanh thu của DOJI là 60 tỷ đồng (năm 2006), năm 2011 là 30.000 tỷ đồng và lên vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam liên tiếp trong 3 năm (2012-2013 và 2014). Năm 2019, doanh thu của DOJI là 90.000 tỷ đồng và ở trong TOP 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Năm 2012, khi ngành ngân hàng đang trong giai đoạn cực kỳ thử thách, chúng tôi quyết định tham gia tái cấu trúc TPBank, lúc đó thuộc danh sách 9 ngân hàng yếu kém. Nhiều người hỏi tôi, sao người ta tránh bão còn ông lại đi vào tâm bão? Khi đó, tổng tài sản của TPBank chỉ vọn vẹn 13.000 tỷ đồng, mất một nửa vốn điều lệ, nhưng cuối năm 2019 tổng tài sản ngân hàng đã lên gần 165.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận gần 4.000 tỷ đồng. Từ 50.000 khách hàng, nay ngân hàng phục vụ 5 triệu khách hàng. Với một ngành rất đặc thù như ngân hàng, đây chắc chắn không thể là thương vụ “ăn may”. Cơ hội đến, mình nắm lấy nhưng sau đó có thể không làm gì cả và đem bán đi nếu có lời, thì đấy gọi là chộp giật và chúng tôi không lựa chọn cách làm đó.
Gần đây nhất, tháng 4/2020, vào đúng tâm bão của “cơn đại hồng thủy” COVID-19, chỉ trong 3 ngày, chúng tôi quyết định thâu tóm Công ty Thế giới Kim cương.
Khi làm kinh doanh, hãy chuẩn bị tâm thế bởi lúc nào cơ hội cũng có thể đến. Khi cơ hội tới phải biết nắm bắt nhưng không phải cơ hội nào cũng là của mình. Nó phải phù hợp với những gì mình đang có. Cơ hội đấy có thể không thích hợp với hoàn cảnh này, nhưng lại thích hợp trong bối cảnh khác.
Đó là một vài yếu tố làm nên sự khác biệt giữa bản lĩnh và liều lĩnh.
Ông có thể chia sẻ về một ngày làm việc của mình?
Ông Đỗ Minh Phú: Tôi thường đi ngủ sau 12 giờ đêm vì một vài lý do, khá đơn giản thôi. Một ngày có rất nhiều việc cần giải quyết, chỉ riêng công việc ngân hàng mỗi ngày có đến hàng trăm email cần xử lý kịp cho đến trước sáng ngày hôm sau.
Lý do thứ hai, các phiên giao dịch vàng thường biến động rất mạnh, trong khi thị trường Mỹ giao dịch nhộn nhịp nhất đúng vào thời điểm khi ở Việt Nam là từ khoảng 7 giờ tối đến 12 giờ đêm. Tôi thường thức dậy vào lúc 6 giờ sáng để tiếp tục theo dõi thị trường tại Australia và Nhật Bản. Tôi theo dõi diễn biến các thị trường này để nhận định về khuynh hướng của thị trường kim loại quý và thị trường tiền tệ thế giới.
Như vậy, “cuộc chiến” mỗi ngày của tôi bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng đến 12 đêm, trường kỳ như vậy. (cười)
Gần như cả đời gắn bó với đá quý và kim cương, ông nghĩ sao về vẻ đẹp và giá trị của chúng, và rộng hơn, về vẻ đẹp và giá trị của một đời người?
Ông Đỗ Minh Phú: Tôi nhớ nhà triết học, nhà tư tưởng lỗi lạc người Nga, Vladimir Soloviev, đã gọi kim cương là “cầu vồng hóa thạch, hòn than phát sáng”. Khó có thể nói hay hơn thế. Kim cương đặc biệt giá trị, bởi nó cứng nhất trong tất cả mọi vật liệu trên Trái Đất này. Người ta dùng kim cương để khoan, cắt, gọt tất cả các kim loại, nhưng không vật liệu nào có thể tạo ra vết rạch trên kim cương. Kim cương còn đặc biệt bởi độ tinh khiết hoàn hảo và khả năng khúc xạ ánh sáng tuyệt vời. Nói khác đi, kim cương không thể bị vấy bẩn, không thể bị hủy hoại.
Cùng được cấu tạo từ nguyên tố carbon, nhưng khác với than đá, kim cương được hình thành dưới áp suất cực lớn và nhiệt độ cực cao. Không chỉ vậy, muốn phát sáng, thì viên kim cương thô phải qua bàn tay chế tác, mài giũa, cắt gọt của con người. Với tất cả những lý do đó, người ta thường hay so sánh kim cương với những gì cao quý nhất, những gì vĩnh cửu, những gì không bao giờ thay đổi, những giá trị tuyệt đối.
Nhìn rộng ra, như người ta hay nói, ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong, con người có phẩm chất thì càng dưới áp lực lớn và càng qua trui rèn gian khổ, càng trau dồi được những phẩm chất tốt đẹp. Những giá trị trường tồn qua lịch sử nhiều thế kỷ của loài người, mỗi cá nhân phải trau dồi không ngừng nghỉ qua năm tháng để những giá trị ấy trở thành hành trang của chính mình. Chỉ có như vậy, những phẩm chất của mỗi con người mới có thể trở thành chất kim cương phát sáng vĩnh cửu, góp phần làm tỏa sáng những phẩm chất và cốt cách dân tộc!
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hà Chính/VGP