+
Aa
-
like
comment

Doanh nhân Việt Nam cùng lời hiệu triệu của Chính phủ

Diệu Hương - 13/10/2021 20:00

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt nhân “Ngày Doanh Nhân Việt Nam”. Đây là lần thứ ba trong vòng hơn hai tháng qua, người đứng đầu Chính phủ gặp gỡ và đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân

Điều đó thể hiện sự ghi nhận, tri ân của Chính phủ về những hành động đẹp vì đất nước, cũng như sẻ chia, đồng cảm với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải vượt qua để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh “chưa có tiền lệ”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng “chúng tôi rất mong đợi các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”.

Ngược dòng thời gian, trở về với buổi đầu lập nước, hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương. Trong đó, nhấn mạnh rằng “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này”. Bức thư chỉ với hơn 200 chữ, nhưng có ý nghĩa như một văn bản kinh tế riêng biệt đầu tiên của Chính phủ giữa bộn bề đại sự lớn lao. Đó là một văn bản mang tính chất hiệu triệu.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, suốt 76 năm qua, cộng đồng doanh nhân Việt Nam – những người lính của thời bình đã luôn đồng hành, gánh vác, xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, cùng đất nước phát triển. Từ một đội ngũ non trẻ, tự phát, đến nay, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp với đầy đủ các thành phần (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, số lượng đội ngũ doanh nhân đã lên đến hơn 5 triệu người. Đặc biệt, nhiều doanh nhân Việt Nam lọt vào top “tỷ phú USD” toàn cầu và các doanh nghiệp của chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng cũng như sánh vai với các tập đoàn lớn của khu vực và thế giới.

Những đóng góp lớn của doanh nghiệp dành cho Quỹ Vaccine

Không chỉ tạo ra nguồn thu cho mình mà, doanh nhân Việt Nam còn cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tốt cho xã hội, nộp thuế vào ngân sách, chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Phẩm chất này càng được thể hiện rõ khi gần 2 năm qua, trong bối cảnh cả thế giới, trong đó có Việt Nam phải đương đầu với đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tích cực đề cao tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, đóng góp kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền tiếp nhận và đăng ký ủng hộ đã đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, là sự tiên phong cùng với Chính phủ thực hiện chiến lược vaccine dựa trên 3 trụ cột chính: Nhập khẩu vaccine, nhập khẩu công nghệ để sản xuất vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine ở trong nước. Cả 3 trụ cột đó đều đã đạt được kết quả đáng phấn khởi: chúng ta đã nhập khẩu và thực hiện theo cơ chế COVAX, ngoại giao vaccine, tiêm được trên trên 20,5 triệu liều vaccinee COVID-19 cho nhân dân; nhập khẩu công nghệ sản xuất vaccine của VinGroup đã thử nghiệm bước đầu; 2 loại vaccine nghiên cứu sản xuất trong nước là Nano Covax và COVIVAC đã thử nghiệm giai đoạn 3. Khả năng cao là chúng ta sẽ có vaccine sản xuất trong nước trong tương lai gần.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đóng góp rất lớn trong lời kêu gọi không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm. Rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp, giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, đồng hành cùng với MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhóm thiện nguyện để thực hiện “Phần quà đại đoàn kết”, “Túi quà an sinh”, “Siêu thị 0 đồng”, ATM Oxy, ATM gạo… Những hành động thiết thực này đã giúp đỡ hàng triệu người nghèo, người yếu thế, người đang điều trị bệnh…

Ngay cả khi dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp, những trung tâm kinh tế lớn, ảnh hưởng nặng nề tưởng như không thể cầm cự thì rất nhiều doanh nghiệp/doanh nhân vẫn vững chí, bền lòng, cùng đội ngũ công nhân kiên trì vượt qua khó khăn thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

76 năm một chặng đường lịch sử, chúng ta đã thấy được sự trưởng thành và lớn mạnh của doanh nhân Việt Nam. Giờ đây, đại dịch Covid-19 thêm một lần nữa thử thách cộng đồng doanh nghiệp Việt. Cùng với tâm, tài, trí, đức và bản lĩnh của mỗi doanh nhân, cùng với sự hỗ trợ tận lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta có quyền hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của giới doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Sự thông minh, linh hoạt và thích nghi với môi trường, thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của doanh nhân Việt sẽ là yếu tố bứt phát trong thời đại chuyển đổi số với cơ hội phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Và không ai đứng ngoài cuộc cách mạng này!

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều