Doanh nhân kín tiếng nắm tài sản hàng chục nghìn tỷ, “vượt mặt” tỷ phú Hồ Hùng Anh
Vị doanh nhân này có số tài sản trên sàn chứng khoán đạt 14.362 tỷ đồng, hơn ông Hùng Anh hơn 1.000 tỷ đồng.
Chỉ còn ít ngày nữa, danh sách những người giàu nhất hành tinh do tạp chí Forbes thực hiện sẽ được công bố. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 4 đại diện được đứng trong danh sách này, giảm 1 người so với năm ngoái.
Các doanh nhân tỷ đô này bao gồm: Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch tập đoàn Vingroup (đứng ở vị trí 261) ; bà Nguyễn Thị Phương Thảo – sáng lập và chủ tịch Sovico Holding đồng thời là cổ đông lớn của Vietjet và HDBank (1.091); ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco (1.490) và ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank (1.847).
Còn tại bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có 2/4 doanh nhân là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng trong top 5.
Một doanh nhân khá kín tiếng là ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) lại “vượt mặt” cả tỷ phú đôla Hồ Hùng Anh, trở thành người thứ 5 giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Năm 2019, ông Hồ Hùng Anh lần đầu lọt top những người giàu nhất hành tinh của Forbes với tổng tài sản 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1349. Hiện tại, ông rớt xuống vị trí 1.847 với tài sản 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, tính đến hết phiên giao dịch ngày 18/2, ông Trần Ngọc Thuận có số tài sản trên sàn chứng khoán đạt 14.362 tỷ đồng, hơn ông Hùng Anh hơn 1.000 tỷ đồng.
Số tài sản này đến từ việc ông Trần Ngọc Thuận chịu trách nhiệm quản lý 32,83% vốn nhà nước, tương ứng 1.270.797.791 cổ phần, tổ trưởng tổ đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ông Thuận sinh năm 1960, quên tại Xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Cơ khí.
Ông Thuận được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, kể từ ngày 01/01/2012 thay cho ông Lê Quang Thung.
Tại Lễ vinh danh 30 tập thể, cá nhân xuất sắc trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới” được tổ chức vào ngày 20/5/2017, Tổng Giám độc VRG Trần Ngọc Thuận là một trong 18 cá nhân được nhận giải thưởng của chương trình này vì những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Tháng 10/2017, Đại Hội đồng Hiệp hội các nước sản xuất cao thiên nhiên (ANRPC) lần thứ 40 đã tín nhiệm, bầu ông Thuận giữ chức Chủ tịch ANRPC nhiệm kỳ mới.
Ngày 22/5/2018, VRG đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN – Công ty cổ phần và bầu ông Thuận giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiền thân là Tổng Công ty Cao su Việt Nam, được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị quốc doanh sản xuất, lưu thông, sự nghiệp về cao su thuộc trung ương và địa phương.
Năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty Nhà nước sang tổ chcs và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Đến 2010, doanh nghiệp này lại được chuyển thành Công ty TNHH một thành viên.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bao gồm: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su, chế biến gỗ nhân tạo; công nghiệp cao su, đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt; Đầu tư tài chính và kinh doanh vốn Nhà nước giao cho Tập đoàn; Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, cây rừng trồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các ngành, nghề kinh doanh khác đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
(Theo BDS)