+
Aa
-
like
comment

Doanh nhân “hai lúa” và giấc mơ tàu ngầm Việt vươn khơi

30/08/2019 15:32

Sau tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa cùng các cộng sự đang bắt tay chế tạo tàu Trường Sa 2 với chi phí dự kiến gấp nhiều lần phiên bản trước. Doanh nhân quê lúa này hy vong tàu ngầm “made in Việt Nam” sẽ có cơ hội vươn khơi.

Doanh nhân hai lúa và giấc mơ tàu ngầm Việt vươn khơi - Ảnh 1.
Tàu ngầm Hoàng Sa ra đời năm 2015

Chia sẻ với Báo Người Lao Động, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho hay tàu ngầm Trường Sa 02 là phiên bản cải tiến thứ 3 được ông cùng nhóm cộng sự thiết kế, chế tạo với kỳ vọng sẽ đáp ứng các tiêu chí của một tàu ngầm hiện đại và được mệnh danh là phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm kilo 636 đang được đóng mới.

Theo ông Hòa, xuất phát từ việc nước ta phải bỏ ra nhiều triệu USD để mua tàu ngầm nước ngoài, ông đã nảy sinh ra ý tưởng thiết kế tàu ngầm “made in Việt Nam”.

Ông trăn trở rằng nước láng giềng cũng chế tạo được tàu ngầm, tại sao người Việt lại không làm được? Vốn là kỹ sư hóa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kỹ sư cơ khí chuyên ngành khuôn mẫu của Đức, ông quyết định tìm hiểu về chế tạo tàu ngầm.

Doanh nhân quê Thái Bình kể lại: “Khi đóng tàu ngầm mới là ý tưởng, vợ con và bạn bè đều ngăn cản tôi vì họ cho rằng tàu ngầm là thứ gì đó rất kinh khủng, không thể làm được. Nhiều người còn mỉa mai: Giám đốc một xưởng cơ khí địa phương nhưng lại có ý tưởng hoang đường”.

“Không có thiết kế tổng thể mà qua nghiên cứu tài liệu, hình dung đến đâu làm đến đó, tôi vừa làm vừa mò mẫm. Qua thử nghiệm, không ít lần động cơ tàu bị trục trặc, thậm chí nổ nhưng tôi vẫn không chùn bước” – ông Hòa kể lại

Chỉ việc suốt ngày “cắm mặt” vào máy tính tìm tài liệu chế tạo tàu ngầm của Nga, Mỹ, Đức….ông phải mất hơn 3 tháng.

Năm 2013, sau nhiều ngày tháng làm việc, chiếc tàu ngầm mang tên Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) do ông mày mò thiết kế sản xuất đã được nhiều nhà khoa học trong nước đánh giá cao. Tuy nhiên, theo ông Hoà, đó mới chỉ là bản thử nghiệm, còn nhiều lỗi cần khắc phục bởi môi trường biển khác môi trường trong hồ, trên sông.

Doanh nhân hai lúa và giấc mơ tàu ngầm Việt vươn khơi - Ảnh 2.
Tàu ngầm Trường Sa 01

Đến năm 2015, phiên bản tàu ngầm mini cải tiến mang tên Hoàng Sa ra đời với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội, có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi lên mặt biển nhịp nhàng.

Theo ông Hòa, chi phí đóng hai chiếc tàu ngầm mini đầu tiên hơn chục tỉ đồng, nhiều người xót cho ông vì số tiền bỏ ra quá lớn đó nhưng với ông đó là đam mê cháy bỏng với hy vọng tàu ngầm “made in Việt Nam sẽ vươn khơi”.

Nhiều khó khăn đã xảy ra trong quá trình ông Hoà chế tạo 2 chiếc tàu ngầm trên, tưởng chừng như ông sẽ dừng lại, nhưng niềm đam mê vẫn “cháy” trong ông khi doanh nhân này quyết chế tạo bằng được “mẫu tàu ngầm thế hệ thứ hai đúng nghĩa chứ không chỉ là bản cải tiến”.

Sau 3 năm “thai nghén”, được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, kỹ sư trong và ngoài nước, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã khởi động đóng mới tàu ngầm Trường Sa 2 vào tháng 5-2018.

“Trường Sa 2 được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm kilo 636, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật khắt khe nhất của một tàu ngầm mini với hệ thống điều khiển điện tử tự động gần như hoàn toàn”- ông cho hay.

Theo thiết kế, Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1, 8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tàu có vận tốc 35 km mỗi giờ, lặn sâu 250 m và tầm hoạt động 3.000 km.

Doanh nhân hai lúa và giấc mơ tàu ngầm Việt vươn khơi - Ảnh 3.
Trường Sa 02 đang dần được hoàn thiện

Tàu được thi công bằng phương pháp phân chia các hạng mục vỏ tàu, sau khi hoàn thiện từng hạng mục sẽ tiến hành ráp nối. Tàu Trường Sa 02 sẽ có động cơ và trang thiết bị điện tử hiện đại nhập từ nước ngoài, hiệu chỉnh cho phù hợp với thiết kế và tính năng của con tàu.

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, tàu Trường Sa 02 lớn hơn tàu Trường Sa 01 khá nhiều, vì thế trong quá trình hoạt động sản xuất cũng có nhiều khó khăn. Trước đây ông Hòa đã có thể thu gọn công nghệ AIP và trang thiết bị cần thiết khác cho tàu Trường Sa 01.

Khi tiến hành với chiếc tàu có kích cỡ lớn hơn như Trường Sa 02, ông Hòa tiếp tục nghiên cứu và thay đổi công nghệ AIP này một lần nữa với những bước tính nâng cao chất lượng hơn. Và những sự thay đổi này đều cần có các bước thử nghiệm thật sự cẩn thận và chi tiết.

Do kích cỡ lớn hơn, phần chịu lực của thân vỏ tàu ngầm cũng phải được tính toán cụ thể, thử nghiệm với từng bộ phận, từng mối hàn. Ngoài ra, động cơ vận hành cho tàu ngầm Trường Sa 2, chân vịt và bộ dẫn lái, dẫn động đều phải thay mới cho phù hợp với kích thước mới.

“Hai chiếc tàu ngầm Trường Sa 01 và Hoàng Sa đã ngốn của tôi rất nhiều tâm huyết, tiền bạc. Tuy nhiên, tôi và những nhân viên của mình có kiên nhẫn, và chúng tôi đang từng bước thành công” – ông Nguyễn Quốc Hòa tâm sự.

Trọng Đức/Người Lao Động

Bài mới
Đọc nhiều