+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp tư nhân nhìn từ mặt trận chống dịch Covid-19

Diệu Hương - 10/09/2021 11:57

Không chỉ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng thể hiện vai trò “xung kích” trên nhiều lĩnh vực, mà đặc biệt là trên mặt trận chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Lô thuốc Remdesivir đầu tiên do Vingroup nhập khẩu, dành tặng điều trị bệnh nhân Covid-19

Ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều xác định kinh tế tư nhân là động lực, là xương sống của nền kinh tế. Tại Việt Nam, cuối năm 2020, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân ở mọi quy mô, lĩnh vực; cùng với khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh ở tất cả các ngành, nghề, tạo ra khoảng 43% GDP, 15,4% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% tổng số lao động đang làm việc, đóng góp 8,9% vào tốc độ tăng GDP và 49% vốn đầu tư xã hội. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, trong số 1,1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 2021, có đến 660,1 nghìn tỷ đồng, bằng 56,4% đến từ khối kinh tế ngoài nhà nước, trong khi khối FDI chỉ chiếm 214,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,3%, còn khu vực Nhà nước đạt 295,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng vốn. Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả. Điển hình: Đứng đầu là Vingroup đóng với 2.287 tỉ đồng, tiếp đó là Vạn Thịnh Phát 2.000 tỉ đồng, Thaco 800 tỉ đồng và Sun Group 621 tỉ đồng… Đặc biệt, Vingroup đang đầu tư đưa công nghệ sản xuất vaccine vào Việt Nam để có thể chủ động trong sản xuất vaccine. Hay như Sân bay Vân Đồn – sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư là một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam. Khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Vân Đồn đã đón hơn 200 chuyến bay giải cứu, đưa hơn 40.000 người Việt hồi hương và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc.

Những con số kể trên đủ để minh chứng cho vai trò “xung kích” của những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, trong cả sự phát triển cũng như hành trình vượt khó của đất nước ở giai đoạn dịch bệnh.

Ở một góc nhìn khác, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thật sự lớn mạnh tương xứng với tiềm năng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát, những điểm yếu của kinh tế tư nhân càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Có quá nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn, thậm chí là bất lực. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 cho thấy 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nhưng có đến 85,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số kỷ lục chưa từng có, lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp mới thành lập.

Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp thì chỉ 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Những con số này cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước “cơn bão” đại dịch.

Tuy khó khăn là vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn luôn là những cánh tay đầu tiên giơ lên, nhận nhiệm vụ đồng hành cùng Chính phủ, với ngành y và người dân trên cả nước chung tay chống dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính, nguồn tiền để mua vaccine khoảng 22.000 tỉ đồng, hơn 8.000 tỉ đồng trong số đó là do người dân, doanh nghiệp đóng góp và nhiều nhất vẫn là khối doanh nghiệp tư nhân.

Đây chính là tình cảm, tinh thần trách nhiệm cao vì cộng đồng của doanh nghiệp, cùng cả nước tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe nhân dân.

Nhưng mọi nguồn lực đều có giới hạn, dịch bệnh Covid-19 chưa thể đoán định được và cách duy nhất để kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” là phải nuôi dưỡng và phát triển nguồn lực này. Và để làm được điều này, Chính phủ và các Bộ, Ngành cần đẩy mạnh quá trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm cắt giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn lâm vào tình cảnh kiệt quệ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Đặc biệt, cần triệt để ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có biểu hiện vòi vĩnh, “hành” doanh nghiệp… Có như vậy mới gia tăng niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, từ đó tạo động lực để doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách để tạo cơ hội, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khi mà quá trình dịch chuyển đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới từ Trung Quốc sang một số nước Đông Nam Á. Trong đó có Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ngoài ra Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cũng cần có những giải pháp hỗ trợ DN trong các vấn đề như kết nối cung – cầu thị trường, xúc tiến các hoạt động thương mại, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới…, qua đó sẽ kích thích khu vực kinh tế tư nhân tăng cường đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh…

Như vậy, trong cuộc chiến này không ai đứng ngoài, trách nhiệm xã hội đã thực sự được thể hiện và lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thông qua cuộc chiến đặc biệt này.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều