+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp “trải thảm đỏ” mời lao động vào làm việc

04/10/2021 10:19

Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp, công ty bắt đầu khôi phục lại các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, việc người lao động bỏ về quê khiến lượng công nhân thiếu hụt trầm trọng. Nhiều công ty “trải thảm đỏ” mời lao động ở lại làm việc nhưng vẫn “bó tay”.

Doanh nghiệp tăng mức hỗ trợ để kêu gọi người lao động ở lại làm việc.

Với trên 90% lao động trong các nhà máy là người nhập cư thì “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương, Đồng Nai… đang đối mặt với bài toán khó. Nhiều tỉnh thành khác cũng vậy khi mỗi ngày có hàng chục ngàn lao động về quê.

Nguy cơ ngưng trệ vì lao động về quê

Ông Đặng Tuấn Tú – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) – cho biết doanh nghiệp đang lên danh sách làm “giấy đi đường” cho khoảng 2.000 công nhân trở lại sản xuất vào ngày 5-10. Số lao động này chỉ chiếm 5% lao động của doanh nghiệp, song ông Tú cho rằng phải bắt đầu từ con số nhỏ.

Với 42.000 công nhân, khi chính quyền cho mở cửa hoàn toàn, khả năng thiếu hụt lao động rất lớn. Đặc biệt các đơn hàng cuối năm được xem như “phao cứu sinh”, theo ông Tú, các chính sách cho công nhân tăng ca, tổ chức về địa phương đón lao động đã được tính đến. Song lâu dài phải chờ chính quyền sớm tiêm đủ vắc xin cho người lao động. Theo ghi nhận, hiện nhiều doanh nghiệp Đồng Nai mới tiêm được cho 40-50% lao động.

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich (TP.HCM) – cho biết bắt đầu từ đầu tuần này, đợt công nhân đầu tiên của công ty mới quay trở lại nhà máy sau khoảng 2,5 tháng ngừng sản xuất. “Chỉ có 125/4.000 lao động của công ty sẽ vào test trước sau đó mới bắt đầu làm việc. Đợt 2 dự kiến đưa thêm 500 công nhân vào sản xuất nhưng cũng chưa biết khi nào. Hiện công nhân vẫn đang vướng mắc rất nhiều về câu chuyện đi lại và tiêm mũi 2 vắc xin để có thẻ xanh” – bà Vân nói.

Theo đó, khoảng 4.000 công nhân Công ty Long Rich đã được tiêm mũi 1 vào thời điểm tháng 6. Đến nay chỉ có khoảng 900 người đang có mặt ở TP.HCM được tiêm mũi 2. “Số còn lại đang ở Bình Dương rất nhiều và hầu hết chưa tiêm mũi 2. Các tỉnh thành cũng chưa cho phép người dân di chuyển sang các địa phương khác nên người lao động của công ty không thể về lại TP.HCM tiêm mũi 2” – bà Vân nêu khó khăn.

Ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương – cho hay các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn do giãn cách xã hội mà nguy cơ thiếu hụt lao động rất rõ. Đã có nhiều người lao động về quê, cộng thêm với số lao động đang về và muốn về, tới đây các nhà máy có thể chỉ còn khoảng 50% công nhân.

Nới quy định, tăng hỗ trợ công nhân

Công nhân bỏ thành phố về quê vì không có tiền và sợ dịch bệnh

Các quy định cũ khiến người lao động mệt mỏi như tới các nhà máy phải xét nghiệm hay phải ở lại nhà máy… đã bắt đầu được tháo gỡ. Từ ngày 1-10, UBND tỉnh Bình Dương quy định người lao động chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc với F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng sẽ được di chuyển tới nhà máy để làm việc. Khi phát hiện F0 trong nhà máy, quy định mới sẽ chỉ cách ly, phong tỏa phạm vi hẹp tại dây chuyền nơi có F0, thay vì phong tỏa cả nhà máy như trước đây.

Ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho biết nếu người lao động về quê thì không chỉ gây áp lực lây lan dịch bệnh cho các tỉnh miền Tây mà tại Bình Dương cũng sẽ thiếu hụt lao động, nguy cơ đứt gãy sản xuất. Hiện nay hầu hết người trên 18 tuổi tại Bình Dương đã được tiêm 1 mũi vắc xin và tỉnh đang triển khai tiêm mũi 2, ưu tiên cho công nhân, người lao động trong các nhà máy. Vì vậy, Bình Dương một mặt hỗ trợ những bà con khó khăn, có nhu cầu chính đáng về quê nhưng cũng kêu gọi người lao động nên ở lại để được tiêm vắc xin và trở lại công việc khi nhà máy hoạt động.

Ngày 3-10, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho hay vừa chấp thuận cho 11 doanh nghiệp không thực hiện phương án “3 tại chỗ”, cho người lao động đi về hằng ngày với tổng số lao động đăng ký hơn 17.500 người. Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp “3 tại chỗ” bổ sung phương án cho người lao động đi về hằng ngày với gần 1.500 người.

Đây là giải pháp mới nhất mà Đồng Nai áp dụng nhằm từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Cụ thể, theo phương án từng bước phục hồi kinh tế – xã hội do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, công nhân “vùng xanh” ở quy mô xã/phường, ấp/khu phố và đã tiêm 1 mũi vắc xin (sau 14 ngày) được quay trở lại sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc đi về hằng ngày.

Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã chi khoảng 2.000 tỉ đồng tổng cộng các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Sắp tới, các chính sách chi hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được triển khai nhanh và tỉnh cũng tiếp tục rà soát các nguồn quỹ, nếu có khả năng sẽ đề xuất tiếp tục hỗ trợ. Khi các nhà máy mở cửa lại nhiều và có nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn, cơ quan chức năng Bình Dương sẽ có kế hoạch phối hợp với các tỉnh để đón bà con trở lại làm việc.

Tuyển ngàn người, chỉ được hơn trăm!

Doanh nghiệp đau đầu săn đón lao động - Ảnh 1.
Nhiều doanh nghiệp đối diện nguy cơ thiếu nhân công trầm trọng. Trong ảnh: người lao động tại một doanh nghiệp ở Bình Dương – Ảnh: B.SƠN

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, trước nhu cầu lao động tăng, có 28 doanh nghiệp tham gia “săn tìm” lao động với hơn 4.500 việc làm tại sàn giao dịch tuyển dụng lao động trực tuyến sáng 3-10. Tuy nhiên, chỉ có hơn… 150 lao động tham gia và các doanh nghiệp đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ xin việc. Trong đó chỉ có một số vị trí cần tuyển dụng đi làm ngay, còn lại đa số tuyển dụng cho kế hoạch từ nay đến cuối năm, khi ổn định dịch mới đi làm.

Tăng hỗ trợ để giữ chân người lao động

Khảo sát từ nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam, tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Để đảm bảo nguồn cung lao động, ông Vũ Trọng Bình khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Để thu hút người lao động trở lại làm việc, phục hồi sản xuất kinh doan, ông Vũ Trọng Bình đề nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn.

Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để đưa đón, cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại hoặc trở lại làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Chuẩn bị cho phục hồi sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ bước đầu và lâu dài cho người lao động và cả doanh nghiệp, trong đó tập trung đào tạo, tái đào tạo lại lực lượng lao động, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang ở thành phố và người lao động đang sinh sống ở các địa bàn giáp ranh thành phố như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…

Từ kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ,” ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê.

Tuy nhiên, qua khảo sát của Hội, phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với doanh nghiệp rất cao nên việc họ có về quê cũng có thể sớm quay trở lại ở đạt ở mức 70-80%.

Mai Nguyễn

Bài mới
Đọc nhiều