Doanh nghiệp nói gì khi Sở Y tế Quảng Nam đòi trả máy xét nghiệm 7,2 tỷ
Doanh nghiệp bán máy cho tỉnh Quảng Nam giá 7,23 tỉ sau đó giảm còn 4,853 tỉ đồng nói rằng sẽ bị thiệt hại rất lớn nếu Quảng Nam trả lại máy.
Ngày 4-5, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (trụ sở tại TP Hà Nội) – đơn vị bán máy xét nghiệm giá 7,23 tỉ đồng cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam – đề xuất trả lại hệ thống máy xét nghiệm Real-time PCR đã mua trước đó.
Theo bà Tuyến, nếu Sở Y tế Quảng Nam trả lại máy xét nghiệm chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty bà vì máy này đã qua sử dụng, trở thành máy cũ thì khó có thể tiêu thụ được.
Tuy nhiên, hiện nay công ty chưa có ý kiến gì về việc có nhận lại máy hay không, vấn đề này phải được cân nhắc, bàn bạc kỹ qua hội đồng cổ đông của công ty vì liên quan đến tài chính và nhiều thứ khác. Hơn nữa, phía tỉnh Quảng Nam chưa đề cập việc này một cách chính thức mà chỉ qua phát biểu của ông Nguyễn Văn Hai tại cuộc họp.
“Hiện nay chúng tôi chưa rõ phía sở nói trả máy thì trả như thế nào nên chưa thể đưa ra ý kiến của mình được, nhưng nếu sở trả lại máy thì công ty sẽ thiệt hại rất nhiều. Chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra và xem hướng giải quyết từ phía UBND tỉnh Quảng Nam rồi mới đưa ra quyết định” – bà Tuyến chia sẻ.
Trước đó, tại cuộc họp hôm 29-4 với UBND tỉnh Quảng Nam, bà Tuyến chia sẻ về quá trình bán máy xét nghiệm cho tỉnh Quảng Nam và một số vấn đề dư luận quan tâm. Theo bà Tuyến, nửa đầu tháng 3, khi biết tin tại TP Hội An (Quảng Nam) có 1 số du khách nhiễm Covid-19, công ty bà chủ động gửi báo giá và cấu hình máy tới Sở Y tế Quảng Nam. Thời điểm đó, các trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế đang thiếu hụt nghiêm trọng không chỉ ở trong nước mà cả trên thị trường thế giới.
Về mức giá 7,23 tỉ đồng, bà Tuyến cho biết thời điểm mua máy, công ty bà không thể biết được giá nhập khẩu là bao nhiêu bởi đó là giá đầu vào của nhà cung cấp, cụ thể là Công ty Phương Đông. Vì vậy, công ty bà không có căn cứ để xác định giá mà công ty mua là đắt hay rẻ, cũng không có căn cứ thực tế để thương thảo với nhà cung cấp.
Theo bà Tuyến, giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ Công ty Phương Đông đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỉ đồng, chi phí hóa chất ước tính 550 triệu đồng, chi phí kỹ sư, chuyên gia và các chi phí khác ước tính 50 triệu đồng. Khi bán máy cho tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty bà là 1,43 tỉ đồng. Sau khi nộp hơn 382,5 triệu đồng tiền thuế, công ty bà thu lợi nhuận hơn 1,04 tỉ đồng (tỉ suất lợi nhuận gần 14,5%).
“Bao nhiêu người sẵn sàng đi vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao kinh doanh để được hưởng gần 14,5% lợi nhuận như vậy? Với câu hỏi này, chúng tôi chắc chắn rằng quý lãnh đạo, các cơ quan báo chí và dư luận sẽ tự trả lời tỷ suất lợi nhuận này là cao hay thấp so với rủi ro về tính mạng, sức khỏe” – bà Tuyến nói.
Về lý do giảm giá từ 7,23 tỉ còn 4,853 tỉ đồng. Bà Tuyến chia sẻ 3 lý do “về lý”, “về tình”. Thứ nhất, công ty nhập khẩu đồng ý giảm giá sau khi thương thảo lại. Thứ hai, chi phí rủi ro thực tế khi thực hiện hợp đồng thấp hơn so với chi phí rủi ro mà công ty bà tính toán. Thứ ba, công ty giảm lãi suất xuống 0% với mong muốn “đóng góp nhỏ bé để cùng Quảng Nam chống dịch”. Bà Tuyến gọi đó là “cái tình”.
Giải thích thêm vì sao đó là “cái tình”, bà Tuyến nói rằng nhờ được tỉnh Quảng Nam mời dự họp mới được trình bày ý kiến công khai để bảo vệ uy tín của mình. “Nếu không có cuộc họp hôm nay, chúng tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ sống trong dị nghị của đối tác, gia đình, bạn bè và chúng tôi sẽ mất rất nhiều khách hàng sau này” – bà Tuyến chia sẻ.
Bà Tuyến khẳng định công ty bà không nâng khống giá và nói rằng chưa tìm thấy văn bản pháp luật quy định, đề cập tới thuật ngữ “nâng khống giá” là gì. Nếu công ty bà mua hàng với chi phí 5 đồng rồi tẩy xóa, chỉnh sửa hóa đơn và kê khai là mua hàng với giá 10 đồng với mục đích làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận để trốn thuế thì dư luận mới coi đó là nâng khống giá.
“Khi chúng tôi kinh doanh có lãi, chúng tôi mua 5, bán 6 hay thậm chí bán 10, thì đây là lợi nhuận hợp pháp mà chúng tôi được hưởng. Chúng tôi nhấn mạnh nhà nước không có bất cứ quy định nào về giới hạn biên độ lợi nhuận áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại như chúng tôi. Khi chúng tôi có lợi nhuận, chúng tôi thực hiện đóng thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định cho nhà nước” – bà Tuyến chia sẻ.
Bà Tuyến cho rằng, khi kinh doanh, doanh nghiệp đối diện rất nhiều rủi ro về kinh tế – tài chính. Việc kinh doanh trong lĩnh vực y tế lúc dịch bệnh Covid-19 xảy ra còn đối diện với rủi ro lây nhiễm rất cao liên quan đến tính mạng không chỉ bản thân, đồng nghiệp mà còn gia đình.
“Nay chúng tôi phải gánh chịu thêm rủi ro pháp lý, rủi ro về truyền thông, đối diện với dư luận xã hội theo chiều hướng bất lợi, chúng tôi cảm thấy bất lực và kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần. Chúng tôi tự hỏi, nếu hôm nay tất cả các doanh nghiệp kinh doanh chân chính như chúng tôi đều dị nghị, lên án, chỉ trích, kỳ thị thì ngày mai – nếu dịch bệnh bùng phát mạnh thêm một lần nữa, sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế như chúng tôi còn dám hăng hái tham gia cùng tuyến đầu chống dịch, với mong muốn vừa được cống hiến cho xã hội, vừa làm giàu cho bản thân…” – bà Tuyến nói và mong muốn tỉnh Quảng Nam sớm làm sáng tỏ sự việc.
Như PV đã thông tin, ngày 24-3, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phân bổ 7,56 tỉ đồng cho Sở Y tế tỉnh này mua sắm hệ thống xét nghiệm Real – time PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt sau đó trúng thầu giá 7,23 tỉ đồng. Tại cuộc họp hôm 29-4, bà Lê Thị Tuyến đề xuất giảm giá xuống còn 4,853 tỉ đồng trong khi ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói muốn trả lại máy. Hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu thanh tra việc mua máy, kết luận trước 20-5.
Trần Thường/ NLĐ