+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp ngoại muốn TP HCM gỡ vướng đất đai, phí ‘lót tay’

20/03/2021 15:49

Các hội doanh nghiệp kỳ vọng TP HCM sẽ đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc về đất đai, cấp phép lao động và chi phí không chính thức.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư của UBND TP HCM hôm 19/3, ông Fred Burke, Hiệp Hội Doanh nghiệp Hong Kong tại Việt Nam, cho rằng các chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới đang xem xét dịch chuyển nguồn cung ứng tới những nơi không chỉ có khả năng cạnh tranh về giá mà còn tuân thủ với các tiêu chuẩn cao về môi trường, quản trị và quy định pháp luật.

Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP HCM có vị thế tốt để cạnh tranh nhưng lại chưa giành được cơ hội vì phải chi các khoản không chính thức trong các hoạt động hằng ngày. “Nếu các khoản chi này có thể được chính thức hóa hay loại bỏ, họ có thể giành được nhiều công việc kinh doanh hơn”, ông nói.

Ông Fred Burke cũng phản ánh một số hội viên muốn đầu tư vào bất động sản đã phải rời TP HCM để tìm đến các tỉnh thành khác. Do vậy, Hiệp hội kỳ vọng thành phố tạo điều kiện giải quyết, hoàn tất các dự án còn vướng mắc.

Cộng đồng doanh nghiệp này cũng kiến nghị đánh giá lại việc cấp giấy phép lao động và cư trú cho lao động nước ngoài, nhằm bảo đảm hiệu quả và minh bạch. Ông Fred Burke nêu băn khoăn liệu những người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có được tiêm vaccine trong thời gian tới hay không.

Lao động nước ngoài cũng là mối bận tâm của EuroCham. “Chúng tôi đang gặp phải tình trạng nhiều người nước ngoài đã làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm sẽ không thể gia hạn giấy phép lao động và điều này sẽ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư FDI vào TP HCM”, ông Nicolas Audier, Chủ tịchEuroCham, nói.

Ông Nicolas lý giải, vấn đề này là do sự chồng chéo giữa Nghị định 11 và Nghị định 152 về việc cho hoặc không gia hạn giấy phép lao động cũ sau khi Luật Lao động mới có hiệu lực. Ngoài ra, EuroCham cũng đề xuất xem xét “hộ chiếu vaccine”.

Toàn cảnh buổi "Hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư" hôm 19/3.
Toàn cảnh buổi “Hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư” hôm 19/3.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề như cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thời gian cấp phép đầu tư cũng được nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị. Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho rằng cần phát triển thêm cơ sở hạ tầng các vùng cách trung tâm 1-2 giờ di chuyển. Chuyên gia Nhật vẫn thích sống tại TP HCM nên những tỉnh gần thành phố, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ là lợi thế.

Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM (HREC), cho rằng thành phố cần thuyết phục Trung ương đầu tư thêm ngân sách cho hạ tầng giao thông. Hiệp hội doanh nghiệp Hong Kong đánh giá thành phố rất tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm qua. Tuy nhiên, các dự án lớn và quan trọng đang bị trì trệ, kể cả dự án metro. Vấn đề ngập lụt cũng cần cải thiện nhanh hơn.

AmCham đánh giá TP HCM có lợi thế lao động trẻ nhưng còn hạn chế về trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm nên chưa đáp ứng được ở vị trí quản lý các nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, Hiệp hội Nhựa TP HCM cho rằng thủ tục đầu tư vào các khu công nghiệp còn mất nhiều thời gian, khiến nhiều doanh nghiệp chọn đi nơi khác.

TP HCM hiện có hơn 447.000 doanh nghiệp, trong đó 3,54% là doanh nghiệp FDI. Năm 2020, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp 54,76%, khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đóng góp 19,05% vào GRDP.

Cuối năm 2017, TP HCM đã thành lập Tổ công tác về đầu tư để góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Tổ công tác đã kết luận hướng xử lý vướng mắc với 92 dự án; tiếp nhận, phân loại, xử lý 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá mô hình này thành công nhưng cũng còn một số hạn chế. Ông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát vướng mắc các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án trọng điểm để tổng hợp tham mưu đưa vào chương trình làm việc của Tổ công tác.

Ông Phong cũng đề nghị các sở, ngành khẩn trương rà soát các hồ sơ dự án đã tiếp nhận, đẩy nhanh tiến độ giải quyết và trả kết quả hồ sơ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đúng thời gian luật định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người đến liên hệ giải quyết thủ tục.

Cũng hôm 19/3, TP HCM công bố dự thảo kế hoạch về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 10 nhóm giải pháp để lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia.

Các nhóm giải pháp xoay quanh những nội dung gồm: cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ; giải pháp về đầu tư công; giải pháp về quy hoạch và xây dựng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý; khắc phục các tác động tiêu cực của Covid-19.

Viễn Thông/VNE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều