+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp lo nhất rủi ro về thay đổi chính sách

24/12/2019 06:14

5 năm qua, các chính sách, quy định pháp luật kinh doanh của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh, khiến DN bị động và gặp rủi ro. Đây là thực tế đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Rủi ro chính sách

Trong Báo cáo đánh giá về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, một vấn đề đáng quan ngại được chỉ ra, đó là khả năng dự đoán thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục.

Cụ thể, tỷ lệ DN cho biết họ luôn luôn/thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách, giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ DN không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách, tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. “Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, Báo cáo viết.

Các DN lý giải, đó là do các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, DN cần những chính sách ổn định lâu dài, minh bạch, dễ dự báo, áp dụng nhất quán để yên tâm sản xuất kinh doanh.

Chính sách về ô tô của Việt Nam thay đổi liên tục và bất ngờ, khiến các nhà đầu tư lo ngại

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, nếu như khó khăn các DN nhỏ thường đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng… thì với các DN lớn lại là rủi ro về thay đổi chính sách và thủ tục hành chính.

“Các nhà đầu tư rất lo ngại, sau một đêm ngủ dậy, xuất hiện một văn bản pháp luật kinh doanh mới ban hành, khiến hoạt động của họ không ổn định, gặp rủi ro”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết.

Thời gian qua, VCCI cũng nhận được rất nhiều lời kêu cứu về một số văn bản pháp luật ban hành, hồi tố ngược trở lại 4-5 năm về trước, khiến DN đang hoạt động bỗng dưng đối mặt với bất lợi, khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung chỉ ra rằng, một trong những điểm đang “trói” DN hiện nay chính là khả năng khó tiên đoán về thay đổi chính sách, pháp luật kinh doanh. Điều này dẫn đến thực tế là quyền tự do kinh doanh có cải thiện nhưng an toàn của DN thì chưa. Do vậy, ứng xử về đầu tư vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không thể mang tính chiến lược dài hạn, ông Cung nhận xét.

Các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam cũng than phiền rất nhiều về sự thay đổi liên tục, bất ngờ của các chính sách pháp luật kinh doanh thời gian qua, khiến họ khó dự đoán.

Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra vào tháng 6/2019, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho rằng: Sự thay đổi về pháp luật hay các quy định trong thời gian ngắn sẽ làm xáo trộn hoạt động kinh doanh, dẫn đến khó khăn trong việc điều hành sản xuất. Chẳng hạn, nhiều biện pháp liên quan đến môi trường Việt Nam ban hành gần đây được cho là không thực tế với DN, cũng như không đủ thời gian để DN chuẩn bị thực hiện.

Theo ông Nobufumi Miura, khả năng dự đoán được các thay đổi của pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Các thay đổi nhanh trong một thời gian ngắn khiến kinh doanh không thể ổn định, làm gia tăng chi phí hoạt động. Xu hướng không dự đoán được sự thay đổi của pháp luật khiến nhà đầu tư bị tước đi cơ hội, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.

Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng phản ánh: Sự thay đổi thường xuyên của các quy định, chính sách, thường gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN tại Việt Nam. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư buộc phải dừng hoạt động kinh doanh do xuất hiện các quy định mới.

Không nên “đánh úp” DN

VCCI cho hay, một văn bản tốt cần phải đạt các tiêu chí sau: sự cần thiết của văn bản được ban hành; phù hợp với thực tiễn; không có sự chồng chéo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác; có tính khả thi, minh bạch; chi phí tuân thủ thấp; đảm bảo quyền tự do kinh doanh; thúc đẩy cạnh tranh; ngăn ngừa nguy cơ nhũng nhiễu và có thời hạn đủ dài để các DN yên tâm hoạt động.

Các DN cần sự ổn định và nhất quán về chính sách để yên ổn làm ăn

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, chính sách ban hành cần công khai minh bạch và đảm bảo ổn định trong thời gian dài, để DN có thể dự đoán, tiên liệu được, qua đó xây dựng kế hoạch dài hạn. Rủi ro sẽ rất cao nếu không dự đoán được sự thay đổi của chính sách. Các DN sẽ không thể yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh lâu dài, thay vào đó là chụp giật, nhanh chóng kiếm lời rồi “tính cửa” khác.

Chính sách hay thay đổi bất ngờ, diễn ra liên tục trong thời gian ngắn thì môi trường kinh doanh không thể được coi là minh bạch, lành mạnh và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.

Tổng giám đốc một DN ô tô kể chuyện vừa sang Đài Loan mời gọi các DN sản xuất linh kiện ô tô đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN đã từ chối thẳng thừng, với lý do chính sách về ô tô của Việt Nam nổi tiếng là thay đổi liên tục và bất ngờ, khiến họ không thể dự đoán được, vì vậy đầu tư chắc chắn sẽ gặp rủi ro.

Như vậy, nguyên tắc các cơ quan Nhà nước phải đảm bảo sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách, đang gặp nhiều thách thức.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo để các DN liên quan có thể tham gia góp ý kiến, hạn chế tối đa việc áp dụng các thủ tục rút gọn. Khi đã ban hành cần duy trì ổn định trong một thời gian đủ dài, để các DN có thể phát triển sản xuất kinh doanh.

Còn ông Mark Grillin, Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, VBF, lưu ý cơ quan soạn thảo chính sách cần xác định các đối tượng liên quan, đảm bảo có sự tham gia của họ trong suốt quá trình soạn thảo; tránh việc thay đổi bất thình lình, khiến nhiều DN bị động, trở tay không kịp, gây lợi cho một nhóm này, nhưng lại gây rủi ro, thiệt hại cho những nhóm khác.

Trần Thủy/VNN

Bài mới
Đọc nhiều