Doanh nghiệp gốc Việt ở Mỹ đau đầu vì biểu tình, bạo động, cướp tài sản
Nhiều chủ doanh nghiệp gốc Việt nói họ cũng là dân thiểu số nên ủng hộ những cuộc biểu tình đòi công lý cho người da đen. Nhưng bản thân họ cũng là người đang chịu thiệt hại.
Hầu hết cuộc biểu tình vừa qua ở những thành phố lớn như New York, Los Angeles và Philadelphia đều bị cảnh sát Mỹ đáp trả bằng đạn cao su, hơi cay và pháo sáng.
Ở thành phố Philadelphia, một tốp hơn 10.000 người biểu tình ôn hoà giơ cao các biển ngữ ghi “George đáng sống”, “Mạng người da đen quan trọng” và kêu gào khẩu hiệu “Đừng bắn” và “Không có công lý, không có bình yên” trước khi bị dồn vào tường ngăn cách quốc lộ, xịt hơi ngạt và bắt giữ hàng loạt vào chiều 1/6.
Chấn động vì cảnh tượng bạo lực trong biểu tình Cách đó không xa là một cảnh tượng khác cũng dấy lên nỗi tức giận. Hàng chục cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép, siêu thị, và ngân hàng thay vì đóng cửa tắt đèn do dịch Covid-19 đã bị đập nát, phá hoại.
Hàng hoá, điện máy và thậm chí các ma-nơ-canh cũng bị trộm lấy. Một vài chiếc xe cảnh sát bên vệ đường đã bị châm lửa đốt, chỉ còn trơ lại khung. Quần áo, hộp giày và mảnh kính vỡ rơi rải rác khắp nền đường, gợi nhớ đến một vùng chiến sự chứ không phải là trung tâm mua sắm ở một trong 10 thành phố lớn nhất nước Mỹ.
Hình ảnh hôi của, cướp phá các cơ sở thương mại từ người biểu tình đã làm xấu đi phong trào “đòi quyền sống của người da đen” trong mắt một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh tế thương mại gốc Việt nơi đây.
Hiện vẫn chưa có ước tính về tổn thất từ các vụ hôi của và bao nhiêu doanh nghiệp gốc Việt bị ảnh hưởng, nhưng những hình ảnh tan hoang và bạo lực những ngày vừa qua đã làm rúng động không ít người chủ gốc Việt nhỏ lẻ.
Ở Philadelphia, tình hình bạo loạn nổ ra vào chiều 30/5 sau khi cảnh sát xịt hơi cay và dùng ba-tông tấn công người biểu tình muốn kéo đổ tượng của một vị cảnh sát trưởng có lịch sử hà hiếp cộng đồng da đen ở đây.
Sau khi phong toả khu vực này, người biểu tình tràn xuống khu mua sắm sầm uất gần đấy, Phố Walnut, và bắt đầu đập phá cửa kính của các nhãn hiệu thời trang lớn và cửa hàng Apple, để hôi của.
Chị Carolyn Nguyễn là chủ nhà hàng bán đồ ăn Mexico nằm trên phố này và cũng là người thông cảm cho sự tranh đấu đòi quyền sống của người da đen sau nhiều sự kiện người da đen bị giết chết bởi cảnh sát. Tuy vậy, chị Carolyn ngày đêm lo lắng về nhà hàng của chị vẫn đang mở cửa phục vụ thực khách.
“Tôi đồng ý là chúng ta cần thay đổi. Rất tiếc là có những kẻ cơ hội không quan tâm gì đến mục đích ấy và đang lợi dụng tình huống này”.
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhà hàng của chị kinh doanh khó khăn do số lượng khách văn phòng giảm và giờ mở cửa hạn chế. Đến ngày 3/6, chị chỉ mở cửa từ 12h đến 18h vì lo lắng rằng nhân viên sẽ không về nhà được do lệnh giới nghiêm bắt đầu lúc 20h30.
“Trong khu vực này, một vài nhà hàng đã bị đập vỡ kính và các cây ATM bị thiệt hại nặng. Nhưng chúng tôi cũng may mắn rằng nhà hàng đến nay vẫn chưa bị phá vì người biểu tình cũng có ý thức rằng doanh nghiệp của tôi rất nhỏ”.
Cảnh sát Philly thông báo đã bắt giữ 703 người biểu tình từ ngày 30/5 đến nay, trong đó 192 bị bắt vì phá hoại và hôi của.
Anh Quang Lạc, chủ nhà hàng South View Pizza ở miền Nam Philly, cũng lên án việc cướp bóc phá hoại không chọn lọc của người biểu tình và những kẻ cơ hội.
“Mình cũng là dân thiểu số nên mình ủng hộ biểu tình ôn hoà, đòi quyền tự chủ. Nhưng hiện giờ những thứ mất đi là của người dân sống ở đây, rất khó khăn để gầy dựng lại”.
Cộng động Việt ở Philadelphia có trên 20.000 cư dân và đứng thứ 4 sau người gốc Hoa, gốc Hàn và gốc Ấn. Họ có ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế, văn hoá, chính trị.
Các cơ sở thương mại dịch vụ có chủ Việt mọc lên không những ở nơi tập trung đông người Việt mà còn rải rác khắp thành phố, tiêu biểu là tiệm nail.
Tạm gác ngày mở cửa vì biểu tình Các cửa tiệm nail ở Philadelphia gặp nhiều khó khăn hơn nhà hàng do đặc thù công việc của họ dẫn đến việc mở cửa lại trong thời điểm này là bất khả thi.
Chị Trang Nguyễn, chủ tiệm nail ở khu vực đông bắc của thành phố, nói đây là cuộc bạo loạn đầu tiên chị chứng kiến trong suốt 12 năm ở Mỹ. Chị vừa lo lắng, sợ hãi, vừa giận dữ vì người biểu tình phá lệnh ở nhà để ra đường.
Với hơn 23.000 ca và gần 1.300 người tử vong, Philadelphia là điểm nóng của dịch Covid-19 ở Mỹ. Những chủ tiệm nail như chị Trang đã trang bị rất nhiều biện pháp phòng hộ như bao tay, kính chắn, nước sát trùng để đợi ngày mở cửa lại theo lệnh của thị trưởng.
Nhưng chuyện mở cửa lại trong lúc này phải tạm gác lại vì số lượng người biểu tình đông cũng như không giữ khoảng cách an toàn sẽ dẫn đến số ca bệnh tăng cao trong thời gian tới.
Chị Trang có xem qua các phản ứng của nhiều chủ doanh nghiệp bị hôi của, như CEO của Target là cửa hàng nơi xảy ra vụ án mạng 4 cảnh sát giết chết ông George Floyd, nói là vật chất có thể thay mới, làm lại được, chứ mạng người thì không.
Mối quan hệ đa sắc tộc ở Mỹ luôn đi kèm với lịch sử nô lệ của người da đen và các chính sách bài xích quyền bình đẳng giữa nhóm người da trắng và thiểu số.
Philadelphia là nơi có số dân thiểu số ngày một đông, nhưng hệ thống hành pháp và lãnh đạo đa phần vẫn là người da trắng, khiến người dân càng thêm bất mãn về cách hành xử bạo lực của cảnh sát.
Chị Đẹp Thị Quỳnh, chủ tiệm nail ở khu vực tây nam thành phố, cho rằng người châu Á không bị kì thị chủng tộc nhiều dựa trên trải nghiệm sống hơn 9 năm ở Mỹ.
“Mình không lớn lên ở đây và cũng không biết lịch sử ở đây như thế nào. Chỉ mong là những người biểu tình suy nghĩ để có cách giải quyết nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến người khác”.
Để đối phó với trường hợp hôi của tái diễn, những chủ tiệm gốc Việt tận dụng nhiều phương cách để bảo vệ tài sản như mua bảo hiểm, gắn báo động và khoá cửa bằng ván gỗ.
Phần đông lên tiếng rằng cảnh sát cần cải thiện trật tự xã hội và kêu gọi mọi người đoàn kết trong lúc khó khăn thông qua việc biểu tình ôn hoà.
Chị Carolyn Nguyễn nhấn mạnh vai trò người lãnh đạo đất nước trong việc hàn gắn các sắc tộc.
“Tôi không đồng tình với việc cảnh sát nã đạn cao su, hơi cay vào người biểu tình ôn hoà. Bạo lực và cướp bóc cũng sẽ không dẫn đến đâu. Chúng ta đều đã chịu khổ, không quan trọng bạn nghĩ gì hay làm gì. Hãy cùng nhau thảo luận vấn đề này và ngồi vào cùng một bàn”.
Phương Anh/ZN