Doanh nghiệp “gà đẻ kim cương”, 3 đời lãnh đạo bị bắt
Mỗi năm nhận nhiều nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ các đối tác liên doanh liên kết Honda, Toyota… song liên tiếp các đời lãnh đạo VEAM vướng lao lý, việc ông Phan Phạm Hà bị bắt đã nối dài lịch sử buồn của ông lớn ngành Công Thương.
Nhiều đời lãnh đạo bị bắt
Ngày 11/6, Tổng công ty máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) công bố thông tin ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc đã bị bắt.
Trước đó ngày 10/6, VEAM nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội về việc Đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VEAM cũng đã ra thông báo miễn nhiệm tổng giám đốc và kế toán trưởng trong cùng một ngày.
Tháng 11/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản đề cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, giới thiệu tham gia HĐQT, giữ chức tổng giám đốc.
Ngày 24/6/2022, Hội đồng quản trị VEAM thông qua quyết định số 39/QĐ-HĐQT về việc bổ nhiệm lại chức danh tổng giám đốc đối với ông Hà.
Ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Trước khi giữ vị trí Tổng giám đốc VEAM, ông Hà là đại diện phần vốn nhà nước, thành viên HĐQT Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp – MIE (Bộ Công Thương), Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội – Hameco (đơn vị trực thuộc MIE).
Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.
Việc ông Hà bị bắt đã nối dài lịch sử buồn của doanh nghiệp ngành Công Thương khi liên tiếp các đời lãnh đạo VEAM bị bắt.
Ngày 3/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại VEAM.
Đồng thời C03 đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt ông Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng giám đốc VEAM; ông Lâm Chí Quang, nguyên tổng giám đốc VEAM cùng hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo khác.
Lợi nhuận “khủng” chủ yếu dựa vào ông lớn ô tô, xe máy ngoại
Hàng năm, kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM đều tốt, tuy nhiên nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả.
Từ hàng chục năm trước, VEAM đã tham gia liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp ô tô, trong đó đáng chú ý trong đó là sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty TNHH Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh “đẻ trứng vàng” cho VEAM những năm qua. Kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc rất lớn vào tình hình hoạt động của những “ông lớn” ô tô, xe máy này.
Tính đến cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam).
Năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).
Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 1,175 tỷ cổ phiếu VEA, tương ứng 88,47% vốn điều lệ công ty. Bộ Công Thương với vai trò cổ đông Nhà nước nhận về xấp xỉ 4.900 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023, chủ yếu là từ các liên doanh kể trên.
Trong 5 năm qua, VEAM luôn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ trên 40%, thậm chí là hơn 50% trong những năm 2019 và 2020.
VEAM cũng vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 20/6 tới đây.
Đông Duy