+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp FDI ngành ô tô, xe máy làm ăn có lãi nhất Việt Nam

28/12/2020 16:38

Với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hơn 44%, hiện ngành sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2019 của Bộ Tài chính vừa gửi Thủ tướng.

Theo đó, hiện trong các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, có 5 ngành và lĩnh vực lợi nhuận rất cao cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của những ngành này đang thuận lợi.

Cụ thể sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ đứng đầu với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hơn 44% bao gồm công ty Honda, Toyota, Ford Việt Nam, Mercedes-Benz, các hãng xe khác nhập khẩu nguyên chiếc Mitsubishi, Lexus, Suzuki, Audi…

Tiếp theo là nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu, bia và nước giải khát hơn 29%; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh gần 36%; phân phối bảo dưỡng sửa chữa ô tô, xe máy hơn 25%; y tế, giáo dục và khoa học công nghệ hơn 21,3%.

Doanh nghiệp FDI ngành ô tô, xe máy làm ăn có lãi nhất Việt Nam - 1
Sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy và xe có động cơ khác là doanh nghiệp FDI làm ăn có lãi nhất năm 2019.

Về quy mô sản xuất kinh doanh theo địa bàn đầu tư, TP.HCM vẫn là địa phương thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với doanh thu năm 2019 là 1.231.342 tỷ đồng, chiếm 17,2% doanh thu FDI cả nước, tiếp theo là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội.

Về quy mô sản xuất kinh doanh theo lĩnh vực linh kiện điện tử; dệt may da giày; hóa chất nhựa, hóa mỹ phẩm; thương mại, bán buôn bán lẻ; sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy; công nghiệp thực phẩm, chế biến rượu bia là 6 lĩnh vực chiếm đến gần 70% tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI cả nước.

Báo cáo cũng cho biết năm 2019 có gần 9.500 doanh nghiệp báo lãi, chiếm 45% doanh nghiệp báo cáo, lãi hơn 518.500 tỷ đồng (22,5 tỷ USD), tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Các lĩnh vực sản xuất, phân phối, kinh doanh điện tăng hơn 96,1%, dịch vụ khác hơn 211,8% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp báo lỗ là hơn 12.455 doanh nghiệp, chiếm 55% số doanh nghiệp báo cáo, số lỗ là hơn 131.400 tỷ đồng.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp báo cáo lỗ năm 2019 là hơn 2 triệu tỷ đồng, doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 là gần 846.900 tỷ đồng.

Một số nhóm ngành 2 năm liền thu lỗ cả trước thuế và sau thuế, trong đó số lỗ năm trước nhiều hơn năm sau là  sản xuất sắt, thép và kim loại khác, dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí, viễn thông và phần mềm.

Đến hết năm 2019, có hơn 14.800 doanh nghiệp có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, chiếm 66% doanh nghiệp có báo cáo, tổng giá trị lỗ lũy kế là hơn 520.700 tỷ đồng, bằng 41% vốn đầu tư chủ sở hữu.

Về số doanh nghiệp lỗ mất vốn, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ rõ, năm 2019 có hơn 3.500 doanh nghiệp, chiếm hơn 15,7% tổng số doanh nghiệp báo cáo, tăng 24% so với số doanh nghiệp lỗ mất vốn năm trước. Trong đó vẫn có hơn 2.160 doanh nghiệp có doanh thu vẫn tăng trưởng.

PV/VTC

Bài mới
Đọc nhiều