+
Aa
-
like
comment

Doanh nghiệp đề xuất nghỉ Tết âm lịch 3 ngày thay vì 9 ngày

13/10/2021 11:36

Nhận thấy số ngày nghỉ Tết âm lịch quá dài, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất chỉ nghỉ 3 ngày để khôi phục sản xuất kinh tế.

Như đã thông tin, Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến theo phương án nghỉ Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022 kéo dài 9 ngày.

Với phương án này, ngày nghỉ sẽ gồm 5 ngày chính thức và 4 ngày cuối tuần và bắt đầu nghỉ từ ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần, tức ngày 29/1/2022 đến 6/2/2022.

Có nên nghỉ Tết 9 ngày?

Phương án trên đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã trải qua những ngày nghỉ dịch dài, nên sớm trở lại sản xuất để bù đắp nguồn thu.

Ông Hải cho rằng, nghỉ 9 ngày là quá nhiều.

“Việt Nam đã trải qua những ngày nghỉ dịch quá dài, nghỉ quá nhiều, có lẽ ai cũng muốn được đi làm, được ra ngoài nên việc nghỉ Tết để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận. Không nên đưa ra quy định cứng, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, quy định cứng có thể phù hợp với các đơn vị hành chính nhưng chưa thật sự phù hợp với khối doanh nghiệp và người lao động.

Ông Hải lưu ý thêm, nghỉ Tết là thời gian để người dân nghỉ ngơi sau cả một năm làm việc, lao động vất vả, nói cách khác là thời gian để người dân hưởng thụ, xốc lại tinh thần và sức khỏe.

Tuy nhiên, trong hai năm qua, cả người dân và doanh nghiệp đã phải trải qua những ngày nghỉ việc dài, không có thu nhập. Mặt khác, dịch bệnh khiến các hoạt động trong cuộc sống thường ngày bị hạn chế, không được tự do đi lại khiến nhiều người bức bối, khó chịu.

Trong bối cảnh này, khi chúng ta vừa mới bắt đầu trở lại những ngày bình thường mới, doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất, người lao động đi làm, có lương lại nghỉ tiếp sẽ khiến nhiều người dân và cả doanh nghiệp đều không thoải mái.

“Doanh nghiệp thì muốn tranh thủ cơ hội để nối lại sản xuất, trong khi người lao động cũng có nhu cầu muốn đi làm để bù đắp lại nguồn thu. Nếu lại nghỉ tiếp có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất, làm ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.

Nhu cầu đi lại của người dân sau Tết là rất lớn.

Chưa hết, khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc đi lại của người dân chưa thể tự do, thoải mái như điều kiện bình thường, do đó, mục tiêu nghỉ Tết để kích cầu vẫn khó đạt và còn khiến tâm lý người dân thêm chán nản, mệt mỏi vì gánh nặng chi tiêu ngày Tết.

Nhất là khi dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của người lao động, thì có nghỉ dài người dân cũng chưa chắc đã có nhu cầu mua sắm, đi chơi”, ông Hải phân tích.

Từ những phân tích trên, ông Hải cho rằng chỉ nên quy định ngày nghỉ cứng là 3 ngày, những ngày khác để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận.

Đồng quan điểm, PGS- TS Nguyễn Hữu Tri cũng cho rằng ngày nghỉ Tết nên để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau. Làm sao để doanh nghiệp và người lao động tự thống nhất với nhau về số lượng ngày nghỉ, để họ bố trí cho phù hợp, bảo đảm lao động vẫn được nghỉ ngơi; lao động ở xa được tạo điều kiện để về quê sum họp với gia đình, nhưng cùng với đó sản xuất không bị đình trệ quá lâu.

Ông Tri đưa ra giải pháp nhà nước nên giảm bớt ngày nghỉ tết cứng về 4 ngày, số ngày nghỉ thực tế tùy vào điều kiện từng doanh nghiệp và cho người lao động lựa chọn. Có thể nghỉ hơn 4 ngày hoặc dồn vào kỳ nghỉ dài khác trong năm…

Có ý kiến khác, ông Trần Hoàng Giang – nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình lại cho rằng, nên để doanh nghiệp và người lao động có thời gian nghỉ ngơi thật sự.

Ông Giang lý giải, dịch bệnh vừa quá đã quá căng thẳng quá mệt mỏi với cả người dân và doanh nghiệp.

Vì điều này, theo ông Giang nên để xem những ngày nghỉ Tết là thời gian để doanh nghiệp và người lao động lấy lại tinh thần.

Ngọc Ánh

Bài mới
Đọc nhiều