Đoàn xe quân sự Italy chở thi thể đi hỏa táng
Quân đội Italy phải điều phương tiện chở 61 quan tài từ thành phố Bergamo tới địa điểm hỏa táng ở xa vì nhà xác địa phương bị quá tải.
Truyền thông quốc gia Italy đăng đoạn video quay ở Bergamo, vùng Lombardy, miền bắc Italy, tối 18/3 cho thấy một đoàn ít nhất 10 xe quân sự đang chuyển 61 thi thể tới các nhà hỏa táng tại 12 thị trấn xung quanh, bao gồm Modena và Parma.
Bergamo là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19 ở Italy với 93 ca tử vong và hơn 4.300 người nhiễm nCoV tính đến 18/3. Bệnh viện Papa Giovanni đã bị Covid-19 “đánh gục”, trong khi các dịch vụ công của thành phố cũng rơi vào khủng hoảng.
Xe quân đội Italy tập trung tại thị trấn Bergamo tối 18/3 để đưa thi thể người nhiễm nCoV đi hỏa táng. Video: Corriere Della Sera.
Giorgio Gori, thị trưởng Bergamo, đã viết thư cho các thị trấn lân cận nhờ giúp đỡ hỏa táng thi thể người chết vì nCoV và cho biết tro cốt sẽ được đưa trở lại Bergamo. Nhà hỏa táng của thành phố đã hoạt động hết công suất 24/7 nhưng chỉ có thể xử lý 25 thi thể mỗi ngày.
Video Nhà xác quá tải, quân đội Italy phải chở các thi thể đi xa để hỏa táng:
Các dịch vụ tang lễ trong thành phố cũng bị quá tải. Nhiều quan tài được xếp chồng lên nhau tại hai nhà xác bệnh viện và nhà xác nghĩa trang chờ được mai táng.
Thị trưởng Gori cho biết số ca tử vong thực tế do nCoV trong thành phố có thể cao hơn nhiều so với báo cáo. “Một số lượng đáng kể ca tử vong chưa được xác định có phải do nCoV hay không vì họ qua đời tại nhà hoặc viện dưỡng lão”, ông nói.
Mirco Nacoti, một bác sĩ gây mê và chuyên gia chăm sóc chuyên sâu, ước tính ít nhất 60% dân số Bergamo đã nhiễm bệnh.
Italy là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Nước này hiện ghi nhận gần 40.000 ca nhiễm, trong đó gần 3.000 người đã tử vong. Italy có tỷ lệ tử vong vì nCoV cao do dân số nước này già nhất châu Âu. Người già và những người bị bệnh lý nền có nguy cơ tử vong cao nhất nếu nhiễm nCoV.
Cáo phó phủ kín trang báo ‘như bản tin chiến tranh’ ở tâm dịch Italy
Tại Bergamo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona ở Italy, lò hỏa táng bắt đầu hoạt động 24 giờ một ngày. Các quan tài lần lượt xếp kín nhà xác.
Mục cáo phó hàng ngày trên tờ báo địa phương tăng từ 2 – 3 trang lên đến 10 trang, có khi lên đến hơn 150 cái tên, tổng biên tập của tờ báo đã phải ví đây như “bản tin chiến tranh”, theo Washington Post.
Thông báo tin buồn chăng kín trang này qua trang khác trên tờ L’Eco di Bergamo, họ là các cựu chính trị gia, kỹ sư điện, các nhân viên trực tổng đài khẩn cấp, các linh mục, hầu hết đều ở độ tuổi 70 hoặc 80. Những bản cáo phó ngắn ngủi không đề cập đến lý do qua đời nhưng biên tập viên của tờ báo ước tính 90% là do corona.
Đáng nói là qua thông tin trên cáo phó mà thấy được các tang lễ được tổ chức như thế trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Trên đó có nhắc tới việc “(thi hài) sẽ được chuyển trực tiếp đến đài hỏa táng”, đám tang diễn ra “hoàn toàn riêng tư”, hay lễ tang sẽ được tổ chức vào “một thời gian chưa xác định”.
Trên khắp đất nước, việc tổ chức lễ tang bên trong nhà thờ tạm thời bị cấm như một phần của lệnh cấm tụ tập đông người do chính phủ ban hành. Ở Bergamo, một số người không nằm trong diện bị cách ly được phép đến dự những lễ an táng nhỏ tại nghĩa trang, với không quá 10 người. Ngoài ra còn lại tất cả các nghĩa trang trong thành phố đều đóng cửa, do lo sợ người dân có thể sử dụng các phương tiện công cộng đến viếng mộ người quá cố, nhiễm virus rồi gây lây lan.
Văn phòng thị trưởng Bergamo khuyến cáo nên tổ chức hỏa táng cho những người chết vì Covid-19. Từ hôm 11/3, nhà hỏa táng địa phương bắt đầu hoạt động suốt ngày đêm.
“Nơi này không lúc nào đóng cửa nhưng vẫn không thể xử lý được hết”, Francesco Alleva, người phát ngôn của thị trường cho biết.
Tổng biên tập của tờ L’Eco di Bergamo, ông Alberto Ceresoli, nói rằng Italy đang trải qua một “thảm kịch tập thể”, virus đang “tàn phá” nơi ông sống.
Đã có lúc, Ceresoli cân nhắc liệu có nên chuyển mục cáo phó ra đằng sau tờ báo để tránh gây xúc động quá mức cho độc giả. Nhưng rồi ông quyết định rằng mọi người cần được biết về những gì đang xảy ra, và để cho tên của những người đã mất xuất hiện ở giữa tờ báo.
Tin buồn về ông Renzo Testa xuất hiện trên số báo ra ngày 13/3 cùng một tấm ảnh chân dung, bên cạnh là dòng trích dẫn lời Giáo hoàng Francis. Phía dưới ảnh ghi thông tin cơ bản về gia đình và những cống hiến của ông cho xã hội.
Renzo vẫn rất khỏe mạnh cho đến trước khi nhiễm virus corona, con gái ông cho biết.
“Không có bệnh lý nền nào”, bà nói. “Chúng tôi luôn nghĩ cha rất khỏe, ông ấy sẽ vượt qua, nhưng rõ ràng, hy vọng đã vụt tắt”.
Bệnh viện gọi cho Testa vào nửa đêm 11/3 để thông báo cha bà đã không qua khỏi. Quan tài của ông được đưa tới một nhà thờ, chờ đến lượt chôn cất. Nếu quá trình diễn ra sớm, ông sẽ ra đi mà không có sự hiện diện của vợ và các con. Testa cho biết gia đình bà vẫn có kế hoạch tổ chức một buổi lễ tưởng nhớ ông.
“Vào một thời điểm thuận lợi hơn”, bà nói.
Bệnh viện quá tải, rồi đến nhà xác
Số ca tử vong liên tục nối dài danh sách chờ chôn cất và hỏa táng.
“Tình hình còn tồi tệ hơn cả chiến tranh”, Marta Testa, 43 tuổi, nói. “Cha tôi đang chờ được chôn cất. Còn chúng tôi ở đây, đợi nói với ông lời vĩnh biệt”, bà cho biết. Cha của Testa vừa mất hôm 11/3 ở tuổi 85 vì dịch bệnh, bản thân bà cũng đang trong diện tự cách ly.
Trong lúc các quốc gia khác mới chỉ bắt đầu vật lộn với những hệ lụy của đại dịch cũng như khoảng cách mà nó tạo ra – cả giữa những người thân thiết nhất, thì Italy đã phải hứng chịu mất mát nặng nề với ngày càng nhiều người nhiễm bệnh ra đi trong đơn độc.
Gần 3.000 người ở Italy đã chết vì dịch bệnh Covid-19 với một nửa số ca tử vong chỉ trong vòng 5 ngày gần đây. Hầu hết đều giống như cha của Testa, Renzo, được đưa đến bệnh viện và không còn cơ hội nhìn mặt hay nói lời trăng trối với gia đình.
“Khoảnh khắc đưa tiễn người mất là lúc cần ở bên cạnh nhau, vậy mà chúng tôi lại phải làm việc ấy qua điện thoại”, Testa ngậm ngùi. Cha mẹ bà kết hôn đã 50 năm, mẹ của bà cũng nhiễm virus nhưng đang trong quá trình hồi phục.
Dịch bệnh đã lan ra khắp thế giới nhưng Italy đang là nơi có số lượng ca lây nhiễm và tử vong vì virus tăng nhanh nhất. CNBC cho hay ngày 18/3, Italy có thêm 475 người chết vì dịch, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.978 trong vòng chưa đầy một tháng.
Thành Nhân