Đoàn Văn Hậu và nhiều cầu thủ được bảo vệ bởi kế hoạch độc nhất vô nhị của bóng đá Hà Lan
Giải VĐQG Hà Lan vừa ban hành một điều luật mới nhằm thể hiện sự ủng hộ các cầu thủ trước những hành động xấu.
Các trận đấu tại giải VĐQG Hà Lan cuối tuần này sẽ đồng loạt xuất hiện màn “đình công” của các CLB. Cụ thể, sau khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, 2 đội sẽ đứng yên một phút trên sân. Cùng lúc, bảng điện tử chiếu dòng thông điệp chống phân biệt chủng tộc: “Phân biệt chủng tộc ư? Vậy thì chúng tôi không đá bóng nữa!”.
Trận đấu sau đó sẽ được tiếp tục như bình thường. Một phút “đình công” được cộng vào thời gian đá bù giờ ở cuối hiệp đấu.
Kế hoạch của bóng đá Hà Lan nằm trong chuỗi hành động mạnh mẽ nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc ngày cảng trở nên nghiêm trọng trên các khán đài, với nhiều CĐV quá khích. Hàng loạt cuộc điều tra các đối tượng phân biệt chủng tộc đang được tiến hành.
Trong trận đấu giữa Den Bosch và Excelsior vào ngày 17/11, tiền đạo Ahmad Mendes Moreira đã phải chịu nhiều lời lẽ vô cùng nặng nề từ một nhóm CĐV Den Bosch. Trận đấu đã bị gián đoạn mất 30 phút khi trọng tài cố gắng bảo vệ chân sút người Hà Lan gốc Phi.
Không chỉ các cầu thủ có gốc gác châu Phi, nhiều cầu thủ châu Á cũng là nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc ở nhiều giải đấu khắp châu Âu. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm liên và ảnh hưởng đến nhiều cầu thủ.
Cầu thủ Nhật Bản Yuki Nakamura từng phải rời CLB Rimavska Sobota (Slovakia) sau khi thừa nhận CLB bất lực trong việc chống lại các lời lẽ và hành động ác ý nhằm vào anh. Eiji Kawashima – thủ môn kỳ cựu có gần 100 ra sân cho ĐT Nhật Bản – cũng từng phải nghe những tiếng la ó “Fukushima, Fukushima” nhằm vào mình tại Bỉ (Fukushima: Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản gặp sự cố sau trận động đất và sóng thần năm 2011).
Ở trận đấu vòng loại Euro ít ngày trước, 2 ngôi sao Wijnaldum và De Jong đã cùng nhau có hành động chống lại nạn phân biệt chủng tộc.
LĐBĐ Hà Lan hi vọng sau những thông điệp mạnh mẽ và các án phạt nặng, các cầu thủ “da màu” sẽ không còn phải đối mặt với những thứ “độc hại” đến từ các khán đài, mạng xã hội và đôi khi là từ chính các cầu thủ khác trên sân.
theo Trí Thức Trẻ