Đoàn Văn Hậu ghi bàn sau pha xử lý đẳng cấp
Phòng chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ then chốt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phong trào phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới, góp phần nâng cao uy tín, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế.
Vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương
Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập vào năm 2013, với nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách, phương châm, phương pháp, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo, điều hành, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương và địa phương.
Ban Chỉ đạo Trung ương là cơ quan chỉ đạo cao nhất trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Ban Chỉ đạo Trung ương cũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo, giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho Ban Chỉ đạo Trung ương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ năm 2013, khi ông được bầu làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương. Từ đó đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo, ý kiến, nhận định, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra những câu hỏi nhức nhối, thách thức, phản ánh tâm tư, quan điểm về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, như: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?”; “Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”; “Ai đã bao che, tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trốn ra nước ngoài?”; “Có phải chúng ta đang đối mặt với một thế lực tham nhũng, tiêu cực, một thế lực đen tối, một thế lực chống lại Đảng, Nhà nước, chống lại nhân dân hay không?”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đề ra những yêu cầu, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, như: “Phải xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”; “Phải có quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, bài bản hơn, hiệu quả hơn, năm mới phải quyết tâm mới, khí thế mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”; “Phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc nghiêm trọng mà dư luận quan tâm”; “Phải thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, đồng thời có tác dụng răn đe, ngăn ngừa”; “Phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội.
“Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Phong trào phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, có bước đột phá mới, góp phần nâng cao uy tín, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, từ năm 2013 đến nay, đã có 1.500 vụ án, 2.600 bị can liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được khởi tố, xét xử, xử lý. Trong đó, có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao.
Mỗi tỉnh là một “cái lò nóng”
Từ thành công của Ban Chỉ đạo Trung ương, ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 02/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tạo thuận lợi cho các tỉnh ủy, thành ủy thành lập các Ban Chỉ đạo.
Đến ngày 05/8/2022, chỉ sau hai tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có 03 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
Tại Hội nghị tổng kết công tác Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh diễn ra vào ngày 10/01/2024, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, trong năm 2023, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai quyết liệt, toàn diện, cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, các ban chỉ đạo đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng ở trung ương.
Điển hình như thanh tra việc thực hiện một số gói thầu, dự án liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty AIC; kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Lãnh sự, Cục Đăng kiểm…
Các ban chỉ đạo đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Tính từ khi thành lập đến nay, sau hơn 1 năm đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022).
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.
Tiêu biểu là tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch và nhiều giám đốc sở, bí thư huyện ủy; Lào Cai khởi tố nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; Hà Nam khởi tố, điều tra 1 nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên giám đốc và 1 phó giám đốc sở.
Một số ban chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo “chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng”, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Kết quả đó khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” và dưới cũng đang “nóng” lên.
Nhìn lại hơn thập kỷ qua, công tác phòng chống tham nhũng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Từ sự chỉ đạo tập trung ở cấp Trung ương, đến nay đã nhân rộng mô hình thành 63 Ban chỉ đạo cấp Tỉnh. Từ một phong trào thể hiện quyết tâm của Người đứng đầu Đảng, đến nay công tác phòng chống tham nhũng đã trở thành một chức năng, một nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên.
Vừa qua, dư luận trên mạng xã hội và một số tờ báo hải ngoại đưa ra nhiều tin đồn sai lệch liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ đó để củng cố luận điệu mang tính dè bĩu, cho rằng “phong trào phòng chống tham nhũng” sẽ sớm kết thúc, từ đó hòng hù dọa dư luận rằng Việt Nam sẽ trở lại với vòng xoáy tham nhũng tiêu cực.
Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ trở thành hiện thực! Cần xác định rõ, công tác phòng chống tham nhũng đã là guồng quay không thể đảo ngược. “Cái lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”, và hơn hết, cái lò này đã được đốt nóng khắp các tỉnh thành, xuất phát từ ngọn lửa tâm huyết của Đảng, Nhà nước và chính từng người dân với mong muốn dựng xây đất nước ngày càng tốt hơn.
Thành An