Sáng 4/11, đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông chạy thử phục vụ đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Từ 9h ngày 6/11, người dân có thể đi tàu Cát Linh – Hà Đông và được miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao dự án cho Hà Nội, tàu sẽ chạy từ 9h, những ngày sau từ 5h30 và kết thúc lúc 22h. Để đảm bảo an toàn, trong 15 ngày đầu, Metro Hà Nội sẽ huy động toàn bộ nhân lực để hướng dẫn hành khách.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ.
Hành khách sử dụng thẻ từ quẹt trước trước khi lên tàu. Sau thời gian miễn phí, giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, áp dụng giá 140.000 đồng/người/tháng. Hà Nội miễn tiền vé cho người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo.
Chiều tối 3/11, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch TP Hà Nội kiểm tra nhiều nhà ga trước ngày chạy chính thức. Để phòng chống Covid-19, khu bán vé được dán chỉ dấu xếp hàng đúng khoảng cách an toàn. Khách lên xuống các ga phải quét mã QR.
Những ngày qua, các bên liên quan đã vệ sinh và sửa chữa những hỏng hóc nhỏ để phục vụ lễ bàn giao và đón khách đi tàu ngay sau đó.
Phòng cách ly nếu phát hiện người nghi nhiễm Covid-19 được thiết lập.
Trong 15 ngày đầu miễn phí vé, nhân viên nhà ga sẽ phát thẻ 0 đồng cho khách và thu lại vào cuối ngày để kiểm đếm số lượng. Khách cũng được phát miễn phí sổ tay hướng dẫn đi tàu.
Phòng điều khiển trung tâm đặt tại khu depot, một phòng điều khiển khác cũng được thiết lập tại ga Cát Linh.
Trong năm đầu vận hành, tuyến đường sắt trên cao cần huy động 680 người vận hành, trên tổng số dự kiến 733 người. Trong đó, hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trong nước. 51 lái tàu đã được cấp phép theo quy định của Luật Đường sắt.
Tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu – ga Cát Linh đến điểm cuối – ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng, chỉ mất 13 phút và không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng.
Khi đi tàu, hành khách có thể quan sát nhiều điểm di tích của Hà Nội, những ngôi nhà tập thể len lỏi trong tòa cao ốc, các đình chùa, hồ nước chạy dọc tuyến đường.
Bên dưới nhà ga Láng, nơi có lưu lượng giao thông cao lúc tan tầm.
Hệ thống dừng đỗ xe buýt bên cạnh nhà ga Cát Linh giúp người dẫn dễ dàng chung chuyển lên tàu.
Để kết nối giao thông, Hà Nội đã xây dựng đề án riêng, trong đó có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.
Đội tàu tại khu Depot sẵn sàng cho ngày vận hành.
Hà Nội đã thống nhất với ngành giao thông kế hoạch khai thác năm đầu chia hai giai đoạn. Cụ thể, sáu tháng đầu tiên có 6 đoàn tàu chạy, mỗi chuyến cách nhau 10 phút. Trong đó, 3 đoàn chạy không dừng các ga, để phục vụ khách trải nghiệm.
Sáu tháng tiếp theo có 9 đoàn tàu chạy, thời gian giãn cách vẫn là 10 phút. Kế hoạch khai thác lúc này sẽ được điều chỉnh căn cứ tình hình thực tế.
Ngọc Anh