+
Aa
-
like
comment

Đoạn clip ghi cảnh “khu điều trị COVID-19” là giả mạo

Hạnh Văn - 26/07/2021 21:00

Tối muộn ngày 26/7, trong lúc tình hình dịch COVID-19 ở TPHCM vẫn phức tạp, một video clip đã xuất hiện trên mạng xã hội và được nhiều đối tượng chống phá góp sức lan truyền. Thế nhưng, theo phân tích của Cánh Cò, đây là đoạn clip giả mạo.

Các đối tượng chống phá lợi dụng tin giả để xuyên tạc, bôi nhọ công tác chống dịch

Theo quan sát, clip này được một người đàn ông nói giọng Đông Nam Bộ ghi lại tại một nơi được cho là tại một bệnh viện chữa trị COVID-19. Theo đó, các bệnh nhân nằm rải rác các giường bệnh trong clip đều nhiễm COVID-19 nhưng không có bóng dáng của một bác sĩ, điều dưỡng nào. Thậm chí, một số hình ảnh cho thấy có người đắp chiếu mà theo người đàn ông này là đã chết vì COVID-19, kế đó là một người đàn ông khác nằm trong một tư thế lạ lùng, mà theo “thuyết trình” là đang hấp hối sắp chết. Và thông điệp cuối cùng được nghe thấy, là “toàn bộ các y bác sĩ đã bỏ trốn”.

Một người đắp chiếu mà theo người đàn ông trong clip là “đã chết vì COVID-19”.

Thoạt đầu, nội dung đoạn clip thật đáng sợ, tình cảnh của những bệnh nhân rất thê lương, không ai giúp đỡ. Thế nhưng, khi quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy vô số những điều bất thường của đoạn clip được cho là quay trong khu điều trị COVID-19.

Điểm bất thường đầu tiên, chính là người đã quay đoạn clip này. Anh ta là ai, mà có thể thản nhiên ghi hình trong “khu vực toàn là các F0” như thế? Chắc chắn đây không thể là một nhân viên y tế, bác sĩ hay điều dưỡng của bệnh viện. Chúng ta cần nhớ, chỉ khu cách ly F1 thôi đã có một hàng rào an ninh dày đặc bảo vệ, thì các bệnh viện, bệnh viện dã chiến điều trị F0 như thế nào, chắc ai cũng có thể hình dung được.

Thứ hai, dễ thấy rằng người quay clip khá khỏe mạnh, không giống bệnh nhân, nhưng như vậy, càng có lý do nghi ngờ về nơi quay clip này. Bởi theo chính sách điều trị COVID-19, các bệnh nhân được điều trị nội trú hoàn toàn, được đội ngũ y bác sĩ bệnh viên chăm sóc, và hiển nhiên là không có người thân đi theo. Một nơi có thể có người thân chăm bệnh đã có nghĩa không phải là nơi điều trị COVID-19.

Và cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, là khung cảnh của khu bệnh này. Theo quy định của Bộ Y tế, phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 được chia làm 3 cấp: Tầng thứ nhất dành cho người không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ; tầng 2 cho những ca có biến chứng nặng, được trang bị máy thở; và tầng 3 được trang bị máy ECMO luôn sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân nguy kịch. Nói cách khác, nếu là một khu điều trị COVID-19, tình trạng các bệnh nhân trong một phòng nhìn chung khá tương đồng, không có chuyện cùng một phòng có người khỏe mạnh, người nguy kịch hấp hối nằm chung.

Hình ảnh tại một bệnh viện điều trị COVID-19 thật.

Như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định khung cảnh trong đoạn clip không phải là nơi điều trị COVID-19 như các đối tượng rêu rao. Có thể khẳng định, đây là một clip được quay ở thời điểm khác, được cắt ghép, lồng tiếng nói của người đàn ông này để gán ghép, vu khống cho đội ngũ y tế. Đoạn clip cắt ghép lố bịch này là một thủ đoạn nhằm gây hoang mang, gieo rắc tâm lý sợ hãi đối với dư luận, gây khó khăn hơn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vốn đã vất vả, nặng nề.

Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những kẻ có hành vi tung tin giả mạo, dàn dựng video đầy nguy hiểm này.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều