Đoàn BQP Việt Nam thăm quan khinh hạm Đô đốc Kasatonov tối tân: Đón chờ tin vui đặc biệt?
Đoàn BQP Việt Nam đã thăm và nghe giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tàu Đô đốc Kasatonov do CNQP Nga chế tạo trong khuôn khổ chuyến công tác tới Nga dự Triển lãm IMDS-2019.
Đoàn BQP Việt Nam được Nga giới thiệu nhiều vũ khí hiện đại
Cách đây ít lâu, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam do đồng chí Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) dẫn đầu đã tham dự Triển lãm IMDS-2019 tại Liên bang Nga.
Triển lãm Hải quân Quốc tế lần thứ 9 (IMDS-2019) diễn ra từ 10 đến 14-7 tại Saint-Petersburg, Liên bang Nga do Bộ Công thương Liên bang Nga phối hợp với Tập đoàn “Triển lãm Hải quân” tổ chức.
Triển lãm chuyên ngành thuộc loại lớn nhất thế giới này được Nga tổ chức 2 năm một lần với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Nga, Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự, Công ty Xuất nhập khẩu quốc phòng Rosoboronexport và Chính quyền thành phố Saint-Petersburg.
Theo thông báo của Ban tổ chức, Triển lãm IMDS-2019 đã thu hút sự tham dự của 48 phái đoàn đến từ 35 quốc gia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại thành phố Saint-Petersburg, đồng chí Nguyễn Tân Cương và đoàn công tác đã tham dự lễ khai mạc IMDS-2019, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí quốc gia Nga (Rosoboronexport), Nhà máy đóng tàu Almaz thuộc Tập đoàn đóng tàu Almaz, Tập đoàn đóng tàu thống nhất, Trung tâm công nghệ đóng và sửa chữa tàu, Tập đoàn vũ khí Kalasnhikov.
Đặc biệt, Đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thăm tàu khinh hạm Đô đốc Kasatonov lớp Đô đốc Gorshkov thuộc Dự án 22350, tàu hộ vệ tên lửa Karakurt-E thuộc Dự án 22800 và hệ thống tên lửa bờ Rubezh – ME.
Trong đó, đáng chú ý nhất chính là chiếc tàu thuộc Dự án 22350, một trong những lớp khinh hạm cỡ lớn rất hiện đại hiện đang được đóng hàng loạt cho Hải quân Nga. Tính tới tháng 8/2020, đã có tổng cộng 10 chiếc thuộc lớp tàu này được ký hợp đồng đặt đóng và dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao trước năm 2027.
Chiếc tàu đầu tiên của lớp khinh hạm tên lửa này được bàn giao ngày 28/07/2018, và vinh dự mang tên Đô đốc Gorshkov, một trong 3 người từng được phong quân hàm cao nhất của Hải quân Liên Xô, tương đương với quân hàm Nguyên soái Liên bang Xô viết. Ông là người thứ 3 và cũng là người cuối cùng được thụ phong hàm này.
Đón chờ tin vui đặc biệt
Việc Đoàn BQP Việt Nam thăm đích danh và nghe giới thiệu sâu về các đặc tính kỹ chiến thuật của 3 loại vũ khí cụ thể nói trên trong số hàng trăm loại vũ khí trang bị khác nhau được Nga trưng bày tại triển lãm cho thấy dấu hiệu rất tích cực, đó chính là những thứ mà Hải quân Việt Nam đang cần để nâng cao khả năng tác chiến bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung giới thiệu tàu khinh hạm Đô đốc Kasatonov lớp Đô đốc Gorshkov thuộc Dự án 22350 tối tân mà có thể Hải quân Việt Nam đang quan tâm.
Dòng chiến hạm tối tân này được đánh giá là một trong những lựa chọn tốt dành cho Hải quân Việt Nam, bởi lẽ:
Thứ nhất, Hải quân Việt Nam là một trong những lực lượng mũi nhọn được xác định tiến thẳng lên hiện đại nên sắp tới lực lượng này sẽ tiếp tục được đầu tư mua sắm nhiều vũ khí trang bị thế hệ mới, rất hiện đại, trong đó có tàu mặt nước cỡ lớn.
Việc đặt hàng sẽ không phải “luôn và ngay” mà đòi hỏi một quá trình nghiên cứu rất kỹ, bài bản và có thể mất hàng vài năm mới có quyết định cuối cùng.
Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải nghiên cứu những lớp tàu phù hợp với nhu cầu sử dụng, nghệ thuật tác chiến và khả năng làm chủ vũ khí khí tài của bộ đội ta để khi điều kiện cho phép, Hải quân Việt Nam có thể đặt hàng, huấn luyện chuyển loại trong thời gian tối ưu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ hai, với quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, một khi Việt Nam đề nghị, chắc chắn các bạn Nga sẽ tạo điều kiện để ta tìm hiểu và sẵn sàng cung cấp những loại vũ khí phù hợp, kể cả những loại hiện đại nhất mà chưa quốc gia nào có, trừ Nga.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosoboronexport, ông Igor Sevastyanov khẳng định hiện đang xem xét khả năng cung cấp kỹ thuật hải quân như tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm cho một số quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Sevastyanov, đã có những thành công trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ hải quân của Nga cho các đối tác, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam.
Thứ ba, phiên bản tàu hộ vệ tên lửa Dự án 22356 chính là bản thương mại của khinh hạm Đô đốc Gorshokov thuộc Dự án 22350, Nga đã chính thức chào bán tại IDMS 2019 có lẽ là mảnh ghép phù hợp hiện đang còn thiếu của Hải quân Việt Nam.
Như đã biết, sau khi tiếp nhận những tàu ngầm Kilo-636 và chính thức thành lập lữ đoàn không quân Hải quân độc lập, Hải quân Việt Nam đã có đủ khả năng tác chiến trên mọi chiều không gian, từ trên không, trên mặt nước cho tới dưới lòng biển.
Tuy nhiên, hầu hết các tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam đều là cỡ vừa và nhỏ, dù được trang bị tên lửa chống hạm khá hiện đại nhưng khả năng phòng không khá khiêm tốn do chỉ có những loại tên lửa phòng thủ tầm gần, khó có thể bảo vệ đội hình khi tác chiến trên biển xa, trước những đối phương có tiềm lực không quân mạnh.
Vì thế, trong tương lai Hải quân Việt Nam cần có một lớp tàu có khả năng tạo ô phòng không tâm trung xa, che đầu cho lực lượng tàu mặt nước và chi viện cho không quân khi tác chiến trên biển xa.
Khinh hạm Dự án 22356 (bản thương mại của khinh hạm Đô đốc Gorshokov thuộc Dự án 22350) được đánh giá là rất hiện đại và đa năng trong khi giá cả tương đối phải chăng, phù hợp với khả năng ngân sách quốc phòng còn khá khiêm tốn của Việt Nam.
Với lượng choán nước đầy tải 4.550 tấn; tốc độ tối đa 29,5 hải lý/h; tầm hoạt động 4.500 hải lý, lớp tàu này vừa có khả năng đi biển xa, dài ngày, vừa được trang bị dàn vũ khí hùng hậu gồm tên lửa diệt hạm, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không tầm xa, có thể diệt mọi mục tiêu bay, trên mặt nước và dưới ngầm, đồng thời có thể diệt mục tiêu trên mặt đất.
Tùy theo yêu cầu cụ thể mà khách hàng có thể lựa chọn cho mình cấu hình vũ khí trang bị phù hợp nhất:
Về hệ thống điện tử, khách hàng có thể chọn radar trinh sát đường không Fregat-M2EM hoặc Fregat-MAE-3; radar điều khiển hỏa lực là Mineral-ME; hệ thống quản lý tác chiến Sigma-E22356 hoặc Trebovanie-M; thống tác chiến điện tử TK-25E hoặc KT-308-05.
Về vũ khí diệt hạm, khách hàng có thể lựa chọn cấu hình mang 16 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont hoặc 16 tên lửa Kalibr-NKE. Trong đó, cấu hình với tên lửa Kalibr-NKE với bệ phóng đa năng UKSK tỏ ra ưu việt hơn cả do có thể triển khai được cả tên lửa chống ngầm và tên lửa hành trình đối đất, tuy theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Về hỏa lực phòng không, nếu Việt Nam dự định sở hữu tàu phòng không cấp hạm đội thì phía Nga đã có phương án trang bị hệ thống Rif-M (phiên bản hải quân của tên lửa S-300F nâng cấp) với 32 tên lửa 48N6E2 tầm xa 195 km. Còn với cấu hình thông thường, tàu có thể trang bị tổ hợp tên lửa tầm trung Shtil-1 với 36 đạn đánh chặn 9M317ME tầm xa 50 km.
Với trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31 AEW, khả năng tác chiến của lớp tàu này còn được gia tăng nhiều hơn nữa.
Mặc dù hiện còn quá sớm để đi đến quyết định cuối cùng, và Khinh hạm Dự án 22356 chỉ là một trong số những lớp tàu được Việt Nam quan tâm, nhưng với xu hướng và nhu cầu nhiệm vụ, có thể trong vài năm tới chúng ta sẽ được đón nhận tin vui: Hải quân Việt Nam sẽ có một lớp tàu soái hạm mới, xứng tầm.
Bình Nguyên