+
Aa
-
like
comment

Do tiếc 35 triệu tiêu hủy nên xả dầu thải ‘đầu độc’ nước sông Đà

21/10/2019 06:03

Để tiêu hủy dầu thải, theo giá thị trường, phải tiêu tốn 3,5 triệu đồng/m3. Làm phép tính nhanh, 10m3 dầu thải được ‘hung thủ’ đổ xuống đầu nguồn nước nhà máy nước sông Đà… sẽ ‘ngốn’ 35 triệu đồng. Họ hành động vì tiếc tiền, ngu muội, hay có động cơ gì khác?

Liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước Nhà máy nước sạch sông Đà, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, sáng 20/10, đã bắt giữ được đối tượng Lý Đình Vũ (SN 1982), trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh – kẻ thuê hai đối tượng Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám lái xe ô tô tải từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà Phú Thọ lấy dầu thải mang về Hưng Yên. Sau đó, Vũ cùng hai đối tượng trên mang số chất thải trên lên Hòa Bình xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Theo lời khai ban đầu của Vũ, do có quen biết từ trước với nữ giám đốc tên Trang ở công ty gạch tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, nói có dầu cặn thải nên đã thuê Vũ đi đổ hộ với giá 7 triệu đồng.

Do vậy, từ lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ và quá trình lấy lời của đối tượng, cơ quan công an sẽ làm rõ động cơ thuê Vũ đổ thải của nữ giám đốc tên Trang.

Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc này hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều luồng giả định khác nhau, trong đó dư luận đặt ra câu hỏi, Nữ Giám đốc tến Trang có phải người của Công ty Gạch, Gốm sứ Thanh Hà? Có phải Công ty Gạch, Gốm sứ Thanh Hà đã thuê các đối tượng trên đi “xả” 10m3 chất thải hay không? Vì sao nữ Giám đốc tên Trang lại thuê Vũ đi đổ số lượng dầu thải trên?

Ba đối tượng đổ trộm chất thải tại cơ quan công an.

Mới đây, trao đổi với báo Lao động, ông Nguyễn Đức Truyền – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) đã xác nhận thông tin nguồn dầu thải trong vụ việc là của công ty mình. Đồng thời khẳng định, quan điểm của cá nhân và công ty là không ủng hộ việc vi phạm làm ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, theo lời ông Truyền dầu thải này từ máy ép và mỗi năm sẽ có khoảng 400 lít dầu thải như vậy. Trước đây, lượng dầu này được nông dân quanh nhà máy xin về để đổ xuống ruộng để tránh chuột vào cắn lúa nhưng giờ họ không xin nữa. Trong khi đó, dù công ty đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải nhưng phải đủ số lượng. Do vậy, có thể người làm ở bộ phận kho của Công ty gốm sứ Thanh Hà đã lén lút đem cho (hoặc bán) số lượng dầu trên cho nhóm Lý Đình Vũ, Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám. Sau khi lấy được dầu, nhóm Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được. Lượng dầu cặn từ quá trình này sau đó mới được các nhóm đối tượng đem xả trộm ở Hòa Bình.

“Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu…” – ông Nguyễn Đức Truyền nói.

Như vậy theo lời vị Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, để tiêu hủy dầu thải, theo giá thị trường, phải tiêu tốn 3,5 triệu đồng/ khối. Làm phép tính nhanh, 10m3 dầu thải được “hung thủ” đổ xuống đầu nguồn nước Nhà máy nước sông Đà… sẽ “ngốn” 35 triệu đồng. Họ hành động vì tiếc tiền, ngu muội, hay có động cơ gì khác? Cơ quan công an sẽ làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc này có rất nhiều điều mà cơ quan điều tra cần phải làm rõ như: hành trình đổi chất thải của các đối tượng, mục đích đổi chất thải và thái độ của các đối tượng sau khi đổi chất thải để làm rõ bản chất sự việc, làm căn cứ giải quyết đúng đắn vụ án.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, thông thường chất thải nguy hại bị đổ trộm ra môi trường là của doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải hoặc hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về thu gom chất thải nên đã đổ chất thải ra môi trường ngay gần khu vực doanh nghiệp đó có trụ sở.

Lượng dầu thải bị xả trộm khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

“Tuy nhiên, trong vụ việc này các đối tượng không phải là người của doanh nghiệp có chất thải mà là đi mua, thu gom chất thải từ Phú Thọ mang về Hưng Yên rồi lại ngược đường lên Hòa Bình để đổ… Với những doanh nghiệp thu gom chất thải thì sẽ phải biết rõ loại chất thải nào có thể mua được, loại nào không mua được phải loại nào là chất thải nguy hại. Việc các đối tượng này bỏ tiền ra mua chất thải rồi vận chuyển hàng 100km sau đó quay lại đổ ra khu vực đó là điều hết sức bất ngờ và khó giải thích”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ mục đích của việc mua chất thải và độ chất thải ở đây là gì ? Nếu hành vi gây ô nhiễm môi trường này là một thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi thì cũng cần có một mức hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe với các đối tượng này. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những đối tượng có liên quan trong vụ việc này. Tất cả các đối tượng chủ mưu, giúp sức, xúi giục và những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi đổ chất thải ra môi trường sẽ đều bị xử lý về tội gây ô nhiễm môi trường với vai trò đồng phạm.

(Theo Kiến Thức)

Bài mới
Đọc nhiều