Đo thân nhiệt khi vào chung cư Carina ở TP.HCM: Tranh cãi gay gắt
Cư dân chung cư Carina (TP.HCM) đang tranh cãi gay gắt chuyện đo thân nhiệt ở cổng vào. Theo đó, nếu cư dân có thân nhiệt trên 38,5 độ thì được nhắc nhở kiểm tra y tế, còn là khách thì không được vào chung cư.
Để phòng dịch Covid-19, nhiều khách sạn, tòa nhà chung cư đang áp dụng các biện pháp như: trang bị nước rửa tay diệt khuẩn, vệ sinh phòng ốc sạch sẽ, thoáng đãng và đo thân nhiệt của những người ra vào.
Từ sáng 18.3, chung cư Carina (Q.8, TP.HCM) triển khai đo thân nhiệt của những người ra vào chung cư. Theo đó, khi thân nhiệt trên 38,5 độ nếu là cư dân thì được lưu ý nhắc nhở nên kiểm tra y tế, ghi vào sổ theo dõi, còn nếu là khách thì không cho vào chung cư và báo cho cơ quan liên quan. Tuy nhiên, việc này đã gặp phải những luồng tranh cãi từ phía cư dân.
Sẽ phát hiện người nhiễm Covid-19 nhờ đo thân nhiệt?
Anh N.G (người dân chung cư) cho rằng, trời nắng nóng nên khi ra đường thân nhiệt chắc chắn sẽ cao hơn 37 độ, đôi khi trên 38 độ, thân nhiệt đôi lúc cao do nhiều nguyên nhân khác nhau nữa, chứ không chỉ là sốt do nhiễm virus gây dịch Covid-19.
“Đo thân nhiệt không có tính chất ngăn ngừa thật sự mà chỉ là cảm tính tự an ủi. Vả lại bảo vệ đứng rất gần cư dân mỗi khi kiểm tra thân nhiệt, bảo vệ có được huấn luyện các quy trình để làm việc này đúng cách hay chưa. Lỡ chính bảo vệ cũng đang mang mầm nhiễm Covid-19 thì sẽ vô tình truyền nhiễm cho tất cả mọi cư dân đó nha”, anh G. nói.
Theo anh G., mấu chốt là bản thân mỗi người cần ý thức giữ gìn sức khỏe, giữ vệ sinh cá nhân tốt, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài cộng đồng và giữ vệ sinh chung tại chung cư.
Đồng quan điểm, anh Vĩnh Toàn (cư dân chung cư) cũng cho rằng đây là một biện pháp mang tính tâm lý hơn thực tiễn. Anh Toàn nói, các ca nhiễm hiện tại ở Việt Nam không phải được phát hiện qua đo thân nhiệt nên nếu kinh phí hạn chế thì nên dành cho các biện pháp khác.
Anh C.A.N thì cho hay, anh vừa coi một chương trình trên truyền hình nói rằng, máy đo thân nhiệt không có tác dụng ngăn ngừa virus vì trong thời gian ủ bệnh, đo thân nhiệt cũng vô ích. Chưa kể, trong những ngày nắng nóng như thế này, nếu chạy ngoài đường giữa trưa rồi về đến chung cư thì chắc chắn thân nhiệt sẽ rất cao, mà phải nghỉ khoảng 30 phút thì thân nhiệt mới hạ.
Anh T.P thì nêu ý kiến: “Giả dụ bảo vệ đo 1 người đang mang virus mà chưa phát bệnh nên nhiệt độ vẫn trong phạm vi cho phép, rồi vô tình chạm nhẹ cơ thể họ, dính mồ hôi xong ở các lượt đo sau vô tình chạm trúng tiếp một ai đó đang khỏe mạnh thì sao. Lúc đó cái máy đo thân nhiệt lại là trung gian lây nhiễm”.
‘Hãy sống trách nhiệm!’
Ngược lại với các ý kiến trên, nhiều cư dân đồng tình với quyết định kiểm tra thân nhiệt người ra vào chung cư của Ban quản trị.
Chị B.T.T (cư dân chung cư) nhận định, việc bảo vệ đo thân nhiệt cho người ra vào chung cư là rất tốt, người kiểm tra có đeo bao tay, mặt nạ che mặt nên chị mong muốn mọi người hãy vì trách nhiệm với bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Chị H.Đ.T.T (cư dân chung cư) bày tỏ: “Mình thấy đo thân nhiệt kiểm soát từ cổng vào là rất tốt. Nhìn anh bảo vệ và mấy anh đứng dưới một cây dù che phục vụ cư dân giữa trưa nắng rất thương”.
Anh T.N (người dân chung cư) cũng cho rằng, đo thân nhiệt người ra vào đã được nhiều văn phòng, khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp áp dụng từ lâu và họ đều là những đơn vị vận hành chuyên nghiệp.
Ngoài việc đo thân nhiệt, chung cư Carina còn yêu cầu cư dân đeo khẩu trang khi sử dụng thang máy, sử dụng nước rửa tay trước và sau khi sử dụng thang máy. Ngoài ra, khách ra vào chung cư phải đăng ký với bảo vệ và có chủ hộ xác nhận, các dịch vụ giao hàng từ bên ngoài vào chung cư không được phép mang lên căn hộ.
Đến tối 18.3, theo phản ánh của cư dân, 2 máy đo thân nhiệt ở chung cư lại cho ra 2 kết quả khác nhau và có hiện tượng ùn xe nội bộ khi các xe đều phải dừng ngay cổng ra vào để đo thân nhiệt. Sau đó, Ban quản trị chung cư đã tìm một máy khác để thay thế.