+
Aa
-
like
comment

Đọ sức mạnh quân sự của Armenia và Azerbaijan: Ai hơn ai?

Hoài Nam - 02/10/2020 09:34

Chiến sự Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong khi quốc tế kêu gọi các bên ngừng bắn, Armenia và Azerbaijan lại chưa nghĩ tới chuyện đình chiến.

Dàn xe tăng của Azerbaijan (ảnh: Aljazeera)

Nếu bỏ qua yếu tố can thiệp từ bên ngoài vào cuộc chiến, xét về tương quan lực lượng, có thể thấy rõ Azerbaijan đang chiếm ưu thế trước Armenia, theo Aljazeera.

Quân số của Azerbaijan có tổng cộng khoảng 420.000 người, số quân thường trực khoảng 126.000 người, dự bị 300.000 người.

Quân đội Armenia có tổng quân số khoảng 245.000 người, trong đó lực lượng thường trực khoảng 45.000 người, quân dự bị 200.000 người.

Azerbaijan đầu tư cho quân đội 2,73 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi Armenia chỉ chi 0,5 tỷ USD.

Azerbaijan có 665 chiếc xe tăng các loại, Armenia có 529 chiếc. Azerbaijan 1.637 xe bọc thép, trong khi con số này của Armenia chỉ là khoảng 1.000 chiếc.

Azerbaijan có 740 hệ thống pháo các loại, trong khi con số này ở Armenia là 293.

Azerbaijan cũng sở hữu lực lượng tên lửa đạn đạo chiến thuật khá hùng hậu. Baku đã nhập khẩu khoảng 50 hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Lora, tầm bắn 400 km do Israel sản xuất. Hệ thống này được đánh giá không thua kém gì Iskander của Nga. Ngoài ra, Azerbaijan còn sở hữu nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka.

Như vậy, xét về lực lượng bộ binh, Azerbaijan có ưu thế hơn hẳn so với Armenia.

Armenia và Azerbaijan đều sở hữu hệ thống phòng thủ S-300 của Liên Xô (ảnh: Aljazeera)

Về không quân, Armenia sở hữu khoảng 64 máy bay các loại, bao gồm 4 tiêm kích Su-30SM, 13 cường kích Su-25, 15 trực thăng tấn công Mi-24, Mi-35, 12 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, Mi-17, Mi-171 cùng một số máy bay vận tải khác.

Trong khi đó, Azerbaijan sở hữu 147 máy bay các loại, gồm 12 tiêm kích MiG-29, 12 cường kích Su-25, 17 trực thăng tấn công Mi-24/Mi-35, 65 trực thăng vận tải đa năng Mi-17 cùng  một số máy bay vận tải.

Azerbaijan được cho là sở hữu phi đội máy bay không người lái khá mạnh, bao gồm các loại máy bay chiến đấu không người lái Hermes 450, IAI Heron và IAI Searcher do Israel sản xuất

Hôm 1.10, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố bắn rơi 3 máy bay quân sự của Azerbaijan.

Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan ngày càng khốc liệt (ảnh: Aljazeera)

“Lực lượng phòng không Armenia vừa bắn hạ 3 máy bay quân sự Azerbaijan ở khu vực tranh chấp”, Shushan Stepanyan – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia – phát biểu.

Armenia cho rằng, các máy bay của Azerbaijan bị bắn hạ là Su-25 và Mi-24. Azerbaijan bác bỏ thông tin này..

Về lực lượng phòng không, Armenia và Azerbaijan đều sở hữu hệ thống phòng không S-300 do Liên Xô sản xuất. Tuy nhiên, Azerbaijan sở hữu phiên bản nâng cấp S-300PMU2 với tầm bắn xa hơn.

Về hải quân, Azerbaijan có 31 tàu chiến, tàu ngầm trong khi Armenia không có hải quân.

Kết luận

Về mặt quân số và trang thiết bị chiến đấu, Azerbaijan nắm ưu thế trước Armenia, tuy nhiên điều đó chưa phải là yếu tố quyết định chiến thắng trong một cuộc xung đột. Trong chiến tranh Nagorno-Karabakh, giai đoạn 1988-1994, quân đội Armenia với quân số ít hơn đã giành chiến thắng, dẫn đến việc Nagorno-Karabakh tách khỏi Azerbaijan và thành lập Cộng hòa Artsakh.

Ở cuộc chiến những năm 1990, Liên Xô trợ giúp cho Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp vũ khí cho Azerbaijan. Nếu xung đột hiện tại theo lang thành cuộc chiến quy mô lớn, các lực lượng nước ngoài cũng có thể tham chiến.

Hôm 28/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng tình trạng xung đột có thể giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Song phía Armenia không hề quan tâm đến phương án này”.

Tuyên bố còn thúc giục Armenia ngừng vi phạm luật pháp quốc tế và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía người dân và chính phủ của Azerbaijan nhằm chống lại các hình thức tấn công từ Armenia hay các quốc gia khác”.

Phía Nga cũng đưa ra tuyên bố bảo vệ Armenia. Trong ngày 28/9, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitri S. Peskov, cho biết Nga đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng và “hiện không bàn về các lựa chọn quân sự”.

Hoài Nam (t.h)

Bài mới
Đọc nhiều