+
Aa
-
like
comment

Đổ đất ngăn người dân đi lại

02/04/2020 13:22

TP Hạ Long, TP Móng Cái, huyện Ba Chẽ và Đầm Hà đã đổ đất, cẩu bê tông chặn một số tuyến đường để kiểm soát người ra vào, phòng chống Covid-19.

Đường vào huyện Hoành Bồ cũ, nay là TP Hạ Long ở khu vực cầu Bang bị chặn bằng các khối bê tông. Ảnh: B.M
Đường vào huyện Hoành Bồ cũ, nay là TP Hạ Long ở khu vực cầu Bang bị chặn bằng các khối bê tông. Ảnh: Bình Minh.

Tại huyện Ba Chẽ, từ ngày 1/4 chính quyền cho đổ đất, dựng hàng rào tại các điểm, như: thôn Xóm Mới, xã Đạp Thanh giáp với thôn Khe Tre, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long; điểm giáp ranh ở thôn Bắc Cáp, xã Đạp Thanh với xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và chặn đường từ Ba Chẽ sang tỉnh Bắc Giang.

Tại tuyến đường nối xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, chính quyền cho đổ đống đất cao khoảng 1,5 m chắn ngang lòng đường bê tông khoảng 4 m, phía trên dựng rào chắn bằng cọc, lòng đường đặt thêm hàng rào sắt. Mỗi điểm có 2-3 dân quân trực, nhắc người dân không cố gắng di chuyển vì đang thời gian cách ly toàn xã hội để phòng dịch.

Ngoài ra, tại các điểm giáp ranh thôn với thôn, xã với xã, chính quyền lập chốt kiểm soát bằng barie.

Tuyến đường ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ nối xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long bị đổ đất chặn lại. Ảnh: B.M
Tuyến đường ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ nối xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long bị đổ đất chặn lại. Ảnh: Bình Minh.

Tại huyện Đầm Hà và hai thành phố Hạ Long, Móng Cái, chính quyền cho đổ đất chặn một số tuyến đường liên xã, đường vào thôn. Tại TP Hạ Long, tuyến đường đi vào huyện Hoành Bồ cũ ở khu vực cầu Bang bị chặn bằng các khối bê tông cao khoảng một mét, xếp kín lòng đường…

Không thể di chuyển qua các xã trên cùng một huyện, nhiều người dân bức xúc, cho rằng chính quyền “ngăn sông cấm chợ”.

Đổ đất chặn đường đi lại của phương tiện và người dân ở Quảng Ninh

Nhiều ý kiến đã cho rằng đây là biện pháp cứng rắn không cần thiết. Tuy nhiên, theo lãnh đạo thành phố Hạ Long, các tuyến đường trên nằm ở các xã vùng cao, xung quanh là rừng núi, mật độ phương tiện cơ giới đi lại không nhiều, trong khi lực lượng chức năng không đủ người nên tạm thời phải bịt lại.

Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định, việc tạm thời bịt lối đi tại các tuyến đường trên là cần thiết, đúng theo nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng là gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã phường cách ly với xã phường, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

“Các khu vực trên không phải là các tuyến đường độc đạo, việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, người dân được đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Hơn lúc nào hết, công tác an toàn phòng chống dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu”, ông Diện nói.

Chính quyền địa phương cho rằng việc bịt lối đi là để tạm thời ngăn không cho người dân tự do di chuyển giữa các xã vùng cao

Trả lời PV, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết chính quyền cấp huyện và xã ở một số nơi đã hiểu không đúng việc cách ly toàn xã hội. Việc đổ đất này là cấp xã, huyện chứ không phải quy mô cấp tỉnh.

“Chính quyền xã, huyện nghĩ đơn giản không cho đi sang địa bàn khác. Việc làm này hơi cứng nhắc, người dân có nhu cầu mua bán thì việc đổ đất này không ổn. Chúng tôi đã chấn chỉnh, cho dỡ các điểm đổ đất, cẩu bê tông đi”, ông Hậu nói.

Từ khi Covid-19 lan rộng, TP Hạ Long là nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện khai báo y tế, kiểm soát người dân đi lại sau 22h.

Đến sáng 2/4, cả nước ghi nhận 222 người nhiễm nCoV, nhiều nhất là Hà Nội 104 ca, TP HCM 49, Quảng Ninh 7.

Minh Cương/VNE

Bài mới
Đọc nhiều