Đồ ăn uống được bán mang về ở TP. HCM: “Một tô phở 120 nghìn chưa gồm phí ship thì ai dám mua”
Không chỉ phí mua nguyên liệu cao, có shipper nhận đơn hàng không cũng là nỗi lo lắng của nhiều chủ quán nếu mở cửa trở lại.
Nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa sau khi được bán mang về
TP.HCM cho phép dịch vụ ăn uống được mở bán mang về từ ngày 8/9, song theo ghi nhận, ngày 9/9, nhiều hàng quán vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”, chỉ lác đác một vài nơi mở cửa. Nhiều chủ cửa hàng cho biết hiện vẫn còn rất nhiều nỗi lo nên chưa dám mở cửa trong lúc này.
Theo ghi nhận của PV báo Người lao động tại khu phố ẩm thực quận 6, trong sáng 9/9 chỉ một cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoạt động lại với hình thức bán mang về. Bà Trần Thị Hà Thanh, chủ quán bún bò Huế O Thanh (đường số 10, quận 6), cho biết nhờ có sẵn mối quen cung cấp nguyên liệu nên quán mới có thể mở cửa lại bán ngay nhưng nguyên liệu vẫn chưa thể đa dạng như ngày thường, đơn hàng trên mạng vẫn rất ít do hiếm shipper.
Ngày 9/9, một số cửa hàng ở TP HCM đã mở lại hoạt động bán hàng mang đi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU/Người lao động
PV báo Tuổi trẻ khảo sát trên tuyến đường Trần Não (TP Thủ Đức), tiệm bánh mì Hà Nội cũng là cửa hàng hiếm hoi mở cửa. Anh Tuấn, chủ tiệm, cho biết, hiện cửa hàng chỉ bán các loại chả, patê… để người mua hàng mang về tự chế biến. Từ sáng, anh đã mở cửa hàng trên app Grab và ShopeeFood nhưng chưa có đơn hàng nào.
“Có thể khách chưa quen, hoặc khách chỉ muốn mua bánh mì nhưng tiệm chưa có”, anh Tuấn nói. Để bán được bánh mì thịt như trước, anh phải nhập rau, củ các loại, nhưng nhà cung cấp những mặt hàng này lại chưa thể đi giao hàng được.
“Các loại rau thơm, đồ ăn kèm của tiệm do chợ đầu mối giao, giờ các vựa nghỉ nên tôi cũng chưa sẵn sàng, chắc mai mốt mới tính lại”, chủ tiệm bánh mì này nói và kỳ vọng trước mắt có thể bán được khoảng vài chục ổ mỗi ngày, thay vì gần 300 ổ như trước dịch.
Các chủ quán ăn ở TP.HCM trăn trở vì thiếu shipper, nguyên liệu đắt đỏ
Gần 3 tháng mong mỏi được mở cửa trở lại, song, sau khi thành phố cho một số cửa hàng ăn uống được phép mở bán mang về, anh Vũ Như Phong, chủ quán phở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn chưa thể bán hàng lại ngay được.
“Bây giờ chúng tôi đang kẹt giấy đi đường, cấp giấy phép hoạt động rồi lấy mẫu xét nghiệm 2 ngày/lần, nguyên vật liệu, nhân viên… bây giờ tất cả rối hết lên”, anh Phong chia sẻ với PV VTC News.
Anh Phong cho rằng, mở bán từ 6h – 18h là quá ngắn vì không đủ thời gian để bán hết trong ngày hôm đó, buổi tối chưa đến giờ ăn đã phải nghỉ. Bên cạnh đó, Thành phố yêu cầu xét nghiệm 2 lần/ngày thì gặp khó khăn trong kinh phí xét nghiệm. Như quán của anh Phong có 4 nhân viên, 2 ngày sẽ mất thêm 600.000 đồng tiền xét nghiệm nên gia đình không đáp ứng nổi.
“Nói chung những yêu cầu này rất tốt cho an toàn phòng dịch, thấy được mở lại tôi cũng phấn khởi nhưng chi phí thì thực sự chúng tôi không đáp ứng nổi nên đành chờ thêm một thời gian nữa”, anh Phong nói.
Theo anh Phong, nguồn nguyên liệu bây giờ mua rất khó. Trong khi đó, với quy định shipper chỉ được giao hàng trong nội quận như hiện nay, nếu anh đặt mua online thì giá cao và phải tốn tiền ship.
Nguyên liệu như thịt bò, gân bò… thường lấy mối ở chợ quận khác, trong khi chưa được cấp giấy đi đường nên rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu. Hơn nữa giá các loại gia vị, rau củ quả tăng nhiều so với ngày thường và rất khó mua.
“Hành lá hiện nay bán 80.000 – 100.000 đồng/kg, tăng hơn 3 – 4 lần. Nếu trước đây 1 tô phở giá từ 35.000 – 60.000 đồng, nay 1 tô phải từ 70.000 – 120.000 đồng, chưa bao gồm phí ship, thì ai dám mua”, anh Phong cho biết.
Không chỉ phí giao hàng cao, có shipper nhận đơn hàng không cũng là nỗi lo lắng của nhiều chủ quán.
“Mỗi lần đặt hàng gì cũng không có tài xế nhận đơn nên cũng khá lo lắng. Trước mắt cứ mở tiệm trước đã, rồi từ từ tính tiếp, nhưng vẫn chuẩn bị tinh thần có thể đóng lại bất kỳ lúc nào”, một chủ quán bánh tâm sự với PV báo Thanh niên.
B.Bình