Diplomat: Việt Nam sẽ là đối tác chiến lược của Mỹ
Trang Diplomat vừa có bài viết nói về ý nghĩa chuyến công du của Phó Thủ tướng Mỹ, bà Kamala Harris đến Việt Nam. Qua đó nhận định tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ ở hiện tại và tương lai, đồng thời đưa ra lời khẳng định rằng Việt Nam chính là đối tác chiến lược tiếp theo của Mỹ trên thế giới.
Theo Diplomat, lần gặp khó khăn thường là lúc của sự thật. Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho mọi người thể hiện cam kết thực sự của họ với bạn bè (các quốc gia trên thế giới). Để biết các quốc gia gần gũi như thế nào về mặt địa chính trị và mối quan hệ của họ nồng ấm như thế nào, khi đó người ta có thể chỉ cần đếm số lượng các chuyến thăm cấp cao mặc cho dịch bệnh hoặc số lượng vaccine được tặng giữa họ.
Như vậy, rõ ràng Mỹ đang xem Việt Nam chính là quốc gia thân thiết, là một người bạn bất chấp khó khăn. Từ khi dịch bệnh hoành hành vào đầu năm 2020 đến nay, Mỹ và Việt Nam đã tiến hành 4 chuyến thăm cấp cao.
Cụ thể, Ngoại trưởng Mike Pompeo công du Việt Nam vào tháng 10/2020, tiếp theo là Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien vào tháng 11. Tháng 7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến Việt Nam trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á bao gồm Singapore và Philippines. Hiện tại là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam, trong chuyến công du đầu tiên của bà tới châu Á.
Như vậy có thể nói, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 năm 2021 không thể cản trở hợp tác giữa Việt Nam-Mỹ tiếp tục phát triển, dù là trên bình diện song phương, khu vực hay quốc tế, theo Diplomat.
Theo Diplomat, các cuộc điện đàm linh hoạt ở các cấp xuyên suốt, đã tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác và xử lý vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là thương mại. Mỹ tiếp tục khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh, thịnh vượng và độc lập”.
Đồng thời, Mỹ coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam như một nhân tố quan trọng trong chính sách của Mỹ ở khu vực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá cao các cử chỉ thiện chí, nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ Mỹ đối phó với dịch Covid-19 thời gian qua, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thời gian tới.
Về kinh tế, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư hai nước duy trì đà phát triển ổn định. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh: Tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 là 62,5 tỷ USD, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng gần 34,7% so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ trong Báo cáo định kỳ về Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Ngân hàng Nhà nước đã đạt thỏa thuận về tiền tệ với Bộ Tài chính Mỹ, tạo cơ sở để ngày 23/7, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo chính thức sẽ không áp thuế thương mại với Việt Nam tại thời điểm này.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam tại lễ đón.
Về đầu tư, năm 2020, Mỹ xếp thứ 11/135 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Doanh nghiệp lớn của Mỹ duy trì quan tâm đầu tư vào Việt Nam: Intel thông báo tăng đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP.HCM; Foxconn, đối tác sản xuất chính của Apple bổ sung vốn đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang, dự án mỏ Lạc Đà Vàng của Murphy Oil đã tiến triển tích cực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Intel, AES, Murphy Oil, Apple, Nike… bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số…
Với tầm nhìn, quyết tâm chính trị, thiện chí, nỗ lực vượt bậc từ cả hai phía và sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau, Việt Nam và Mỹ đã biến điều tưởng không thể thành hiện thực: là Đối tác toàn diện của nhau, trang Diplomat nhận định.
Theo Diplomat, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là một trong những mối quan hệ mỏng manh nhất và tinh tế nhất trên thế giới. Những ký ức lịch sử, sự khác biệt về ý thức hệ, và những mối quan tâm trong nước thường làm cho những điều không thể diễn tả được trong mối quan hệ đang phát triển này. Nhưng giờ đây, Mỹ và Việt Nam lại đang cùng sát cánh giúp đỡ nhau, cùng nhau tiến bước trở thành những đối tác vô cùng quan trọng không thể tách rời.
Thời gian qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong hỗ trợ về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân.
Mỹ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 20,9 triệu USD trong công tác chống Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer (3 triệu liều do Chính phủ Mỹ tài trợ qua cơ chế COVAX và hơn 1 triệu liều trong hợp đồng 31 triệu liều mua từ Pfizer) và 5 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna thông qua cơ chế COVAX.
Mỹ cũng tài trợ 77 tủ lạnh sâu bảo quản vaccine, chuyển giao công nghệ vaccine mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho Việt Nam. Hai bên cũng dự kiến khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris.
Hợp tác giáo dục cũng đạt nhiều bước tiến khi hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ. Theo Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), chính phủ Mỹ đã cấp cho Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) 37 triệu USD để xây trường ở Quận 9, TP.HCM. Hai bên cũng tiếp tục phối hợp triển khai, chuẩn bị cho tình nguyện viên Mỹ vào Việt Nam giảng dạy tiếng Anh (PC).
Theo Diplomat, vì tương lai khu vực và quốc tế, hai bên duy trì, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế, tăng cường phối hợp tại diễn đàn khu vực như ASEAN, EAS, LMI, APEC, ARF… và giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tại các diễn đàn, Mỹ đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam thúc đẩy hợp tác nội bộ ASEAN, cũng như hỗ trợ Mỹ trong hợp tác với khối.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Mỹ và các nước tiểu vùng Mekong đã nâng cấp quan hệ LMI thành quan hệ Đối tác Mekong-Mỹ. Lần đầu tiên hai nước đã đồng chủ trì Đối thoại chính sách Những người bạn của Mekong…
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khẳng định sẽ tiếp tục can dự tích cực vào Đông Nam Á, mong muốn trao đổi với các nước ASEAN và Việt Nam về định hướng xây dựng và triển khai chính sách của Mỹ ở khu vực, đảm bảo quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ thực chất, hiệu quả. Đồng thời, Mỹ cũng xem xét thúc đẩy một số hợp tác với ASEAN bao gồm biến đổi khí hậu, can dự thực chất hơn về kinh tế…, theo Diplomat.
Như vậy, có thể thấy, bất chấp đại dịch Covid-19, quan hệ Việt-Mỹ từ đầu năm 2021 tới nay vẫn phát triển trên tất cả các lĩnh vực và bình diện khác nhau.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam ngày 24-26/8 chính là cơ hội để hai nước mở rộng, đưa hợp tác đi vào chiều sâu đúng với quan hệ Đối tác toàn diện, vì lợi ích của hai nước và hòa bình, ổn định, thịnh vượng khu vực và toàn thế giới.
Đặc biệt, nhìn về tương lai, khi thời gian qua đi, giai đọan khó khăn dần vượt qua, chắc chắn quan hệ Việt – Mỹ có thể được nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” tiếp theo của Mỹ trên thế giới, trang Diplomat nhận định.
Bảo Trâm (Theo Diplomat)