+
Aa
-
like
comment

Diplomat: Bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức

Bảo Trâm - 19/01/2022 07:55

Vừa qua, trang The Diplomat đã có bài viết với tiêu đề “The Vietnam-Germany Strategic Partnership Takes Another Step Forward” (Bước tiến mới trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức), để nói về những nỗ lực nâng cao mối quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Theo Diplomat, khinh hạm Bayern của Đức đã cập cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh là chuyến thăm đầu tiên của một tàu Hải quân Đức tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Việt Nam là một trong 10 điểm dừng chân trong hải trình dài 7 tháng của tàu chiến Đức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuyên bố chính thức của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết rằng, sự hiện diện của khinh hạm Bayern trong khu vực “làm nổi bật thành phần an ninh trong chiến lược đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chính phủ Đức thông qua vào tháng 9 năm 2020 sau các động thái tương tự của các nước châu Âu khác. Thông cáo dẫn lời Đại sứ Đức cho biết chuyến thăm của khinh hạm Bayern là biểu hiện của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Đức.

Trước đó, vào năm 2011, Việt Nam và Đức đã nâng mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Bản tuyên bố về điều này được ký bởi Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thời gian chuyến thăm Hà Nội của bà. Tuyên bố này bao gồm một kế hoạch hành động chiến lược (SAP) nêu rõ năm lĩnh vực hợp tác được ưu tiên. Đó là hợp tác chiến lược về chính trị – ngoại giao; thương mại và đầu tư; hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường và phát triển, và hợp tác xã hội, truyền thông, văn hóa, công nghệ, khoa học và giáo dục.

Theo Diplomat, để thúc đẩy hợp tác chiến lược, hai bên nhất trí thành lập Nhóm chỉ đạo chiến lược (SSG) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Đức đồng làm Trưởng nhóm. Nhóm này dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ để đánh giá việc thực hiện SAP trong khuôn khổ các cuộc tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là hợp tác quốc phòng và an ninh không phải là một ưu tiên mà được đề cập đến như một trọng tâm thứ yếu trong quan hệ đối tác chiến lược của hai nước.

Khinh hạm Bayern của Hải quân Đức

Được biết, quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia thường được xác định theo bốn cấp độ tiến bộ, quan hệ “đối tác chiến lược” thường được thiết lập sau khi hai bên có quan hệ “đối tác toàn diện” bao gồm sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và CHLB Đức được thiết lập mà bỏ qua giai đoạn quan hệ toàn diện.

Việc không chú tâm vào hợp tác quốc phòng và an ninh phản ánh các ưu tiên chiến lược của hai nước vào thời điểm đó, và phù hợp với tình hình ở Biển Đông và trong các vấn đề quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một thập kỷ trước.

Gần đây, Trung Quốc đang “trỗi dậy” với nhiều hành động cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sự bành trướng quân sự, sức mạnh chính trị toàn cầu và tham vọng ngày càng rõ ràng nhằm tạo ra một trật tự thế giới mới theo các quy tắc riêng của họ. Sáng kiến Vành đai và Con đường trong khuôn khổ chiến dịch “Giấc mơ Trung Hoa” và mục tiêu “trẻ hóa quốc gia” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành một động lực đặc biệt để cả Việt Nam và Đức xem xét lại các chính sách quốc phòng và an ninh của họ đối với khu vực, theo Diplomat.

Được biết, Việt Nam gần đây đã chuyển từ “Ba không” sang “Bốn không” trong chính sách quốc phòng, đó là:

Không tham gia liên minh quân sự;

Không liên kết với nước này để chống nước kia;

Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;

Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel

Tuy nhiên, như tác giả bài viết lưu ý, chính sách này không đặt ra những hạn chế đối với sự hợp tác của Việt Nam với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện, nhằm tăng cường khả năng quốc phòng. Sự điều chỉnh trong chính sách quốc phòng của Việt Nam phản ánh thái độ của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển của mình và các hành động gây hấn ở các khu vực khác trên Biển Đông.

Trong khi đó, các hướng dẫn chính sách của Đức đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã công nhận vai trò quan trọng của các tuyến vận tải qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và Biển Đông đối với hoạt động ngoại thương của thế giới và nền kinh tế của cả Liên minh Châu Âu (EU) và Đức. Mặc dù Đức không phải là một quốc gia trong khu vực, nhưng Đức có vai trò trong việc EU tham gia vào các động lực tăng trưởng của Châu Á và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Diplomat.

Trước đó, trích theo thông cáo báo chí từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhiệm vụ của khinh hạm Bayern là đóng góp một cách hữu hình vào việc bảo vệ và gìn giữ trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Vì vậy, chuyến đi qua Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, quy định về tự do hàng hải và hàng không trong các vùng biển quốc tế, cũng như quyền đi lại qua các vùng nước ven biển. Đức luôn tán thành quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Sự đồng thuận về lợi ích này đã tạo ra động lực rõ ràng để Việt Nam và Đức mở rộng quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh theo hướng thực chất hơn.

Theo Diplomat, kể từ năm 2011, hợp tác quốc phòng Việt-Đức đã được mở rộng sang lĩnh vực quân y và hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như ghi nhận nhiều hơn các chuyến thăm của các quan chức quân sự cấp cao. Đặc biệt, vào năm 2019, Đức bổ nhiệm tùy viên quốc phòng thường trú đầu tiên tại Hà Nội, động thái cho thấy phạm vi hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn nữa trong tương lai.

Tàu hộ vệ FGS Bayern cập cảng TPHCM, thăm hữu nghị Việt Nam

Cho đến nay, Nhóm Chỉ đạo Chiến lược SSG Việt – Đức đã tổ chức sáu cuộc họp, mặc dù các nội dung liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh đã không được thảo luận chính thức cho đến cuộc họp thứ năm và thứ sáu của nhóm lần lượt vào các năm 2019 và 2021. Kế hoạch hành động trong giai đoạn 2019-2022 cũng ghi nhận hợp tác quốc phòng và an ninh là một ưu tiên mới của hợp tác song phương.

Chuyến thăm của khinh hạm Bayern đến Thành phố Hồ Chí Minh vào những ngày đầu tiên của năm 2022 là một bước đi cụ thể báo hiệu mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân. Tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng sẽ là bước tiếp theo trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược hiện tại lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian 3 năm tới, khi hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trên nền tảng là Đức và Việt Nam đều là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong EU và ASEAN, trang Diplomat nhận định.

Bảo Trâm (Theo Diplomat)

Bài mới
Đọc nhiều