Diplomat: Apple yêu cầu Foxconn chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam
Trang Diplomat vừa có bài viết với tiêu đề “Foxconn to Shift Some iPad, Macbook Production to Vietnam” với nội dung Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ – Apple đã yêu cầu đơn vị lắp ráp là Foxconn di chuyển dây chuyền sản xuất, các hoạt động lắp ráp từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.
Theo báo cáo ngày 26/11 của Reuters, Foxconn đang xây dựng dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook của Apple tại nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Một nguồn tin am hiểu về kế hoạch nói với Reuters rằng: “Động thái này đã được Apple yêu cầu vì họ muốn đa dạng hóa sản xuất, thoát khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc“. Dây chuyền sản xuất mới dự kiến bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm 2021.
Nguồn tin không cho biết số lượng sản phẩm sẽ được chuyển khỏi Trung Quốc, nhưng vì iPad xưa nay đều được lắp ráp tại Trung Quốc nên động thái được Foxconn báo cáo sẽ đánh dấu lần đầu tiên thiết bị này được sản xuất bên ngoài quốc gia này.
Chính điều này cũng đánh dấu Apple trở thành công ty đa quốc gia mới nhất tìm cách tránh thuế quan của Mỹ bằng cách chuyển hoạt động sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong vài năm qua, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp Trung Quốc hầu như đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng lực lượng lao động có tay nghề cao và chi phí lao động thấp, đồng thời tránh bị Mỹ tăng thuế. Vào tháng 8, Samsung Electronics, công ty đã sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ, thông báo rằng họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân hẳn sang Việt Nam sau khi đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc.
Từ Intel đến LG, ngày càng có nhiều công ty lựa chọn đặt trụ sở tại Việt Nam. Thật vậy, nhu cầu từ các nhà sản xuất nước ngoài lớn đến mức đã gây áp lực lên lực lượng lao động Việt Nam, các nhà cung cấp và quỹ đất sẵn có để phát triển công nghiệp.
Cùng với việc Việt Nam ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, sự bùng nổ sản xuất này giải thích tại sao Việt Nam sẽ là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đạt kỷ lục về tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế của quốc gia này sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2020, sau đó dự báo sẽ tăng 6,5% vào năm 2021.
Động lực mạnh mẽ của sự tăng trưởng này chính là việc xuất khẩu ngày càng tăng, bao gồm cả từ các công ty đã chuyển hoạt động sản xuất của họ khỏi Trung Quốc. Xuất khẩu tăng 9,9% trong tháng 10, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26,7 tỷ USD, và Bộ Công Thương dự kiến mức tăng cả năm từ 3 đến 4%.
Theo IMF, Việt Nam trong năm nay sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đi trước Singapore và Malaysia, những quốc gia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. So với mức tăng trưởng dự kiến của Việt Nam là 2,6%, IMF dự đoán rằng GDP của Malaysia và Singapore sẽ giảm khoảng 6% vào năm 2020. Nền kinh tế Thái Lan sẽ giảm 7,1%.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Diplomat)