Định vị Việt Nam trong mắt một học giả Nhật Bản
Tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu đô la tăng đến mức 13% trong 5 năm qua, vượt ngưỡng 10.000 người.
Một lần gần đây, tôi được tham dự một cuộc tọa đàm trực tuyến của một nhóm các học giả hàng đầu Việt Nam với một diễn giả nổi tiếng người Nhật Bản ông Hamada Kazuyuki về tương lai của thế giới trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung.
Ông Hamada đã đưa ra nhiều nhận xét rất sắc sảo khiến các học giả Việt Nam không thể không đồng tình.
Hóa ra, ông là một chính khách đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí như thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thượng nghị sỹ và là một học giả kinh tế chính trị uy tín ở Nhật Bản.
Sau này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, một người bạn của ông Hamada, còn cho biết thêm, trong niên biểu tương lai đến năm 2100, ở cuối cuốn sách “Cường quốc trong tương lai Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” ông Hamada cho rằng: Đến 2048, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế.
Nhận định của ông Hamada với Việt Nam phải nói là rất đáng chú ý, và thúc giục tôi tìm hiểu những gì ông ấy viết về Việt Nam ngày nay trong cuốn sách đó.
Tầng lớp thượng lưu ngày càng đông
Ông ấy viết rằng, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất châu Á. Tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu đô la tăng đến mức 13% trong 5 năm qua, vượt ngưỡng 10.000 người. Với tốc độ như thế, năm 2026 tỷ lệ gia tăng lớp người thượng lưu sẽ vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ, lọt vào danh sách hàng đầu thế giới.
Tuy đất nước theo chế độ đơn đảng nhưng chính sách kinh tế của Việt Nam phát triển theo hướng tự do hóa, ưu tiên nguyên lý thị trường.
Tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam rất cao, sẽ nhanh chóng đạt con số 100 triệu người, độ tuổi trung bình là 26 tuổi. Người trẻ đông, kinh tế phát triển nhanh nên nhu cầu tiêu dùng vô cùng mạnh mẽ.
Trên đường phố tràn đầy nhựa sống giống như giai đoạn lâu dài phát triển mạnh mẽ của Nhất Bản sau chiến tranh. Không chỉ co cụm ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội ở miền Bắc, Đà Nẵng với cơ sở hạ tầng phát triển ở miền Trung hay độ thị lớn nhất miền Nam là TP Hồ Chí Minh, đi đến đâu chúng ta cũng có thể nghe tiếng khóc, tiếng cười của con trẻ, bắt gặp hình ảnh chúng chạy vòng quanh. “Quốc gia có nền công nghiệp phát triển, năng lượng trẻ tràn ngập như thế trên thế giới rất hiếm.
Chỉ riêng thị trường quốc nội phát triển nhanh chóng thì Việt Nam cũng đã có nhiều khả năng để trở thành một cường quốc trong tương lai. Lẽ ra một nước xã hội chủ nghĩa thì sẽ toàn là doanh nghiệp quốc doanh nhưng hiện nay việc tư nhân hóa đang phát triển nhanh chóng. Hơn nữa, từ cơ sở hạ tầng cho đến sản xuất, chế tạo, tinh thần khởi nghiệp cực kỳ thịnh hành cũng đáng được đề cập.”
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng vẫn còn tồn tại hoàn cảnh sống khó khăn của những dân tộc ít người, cách xa sự giàu có ở đô thị. Làm sao để xóa đi cách biệt giàu nghèo, sớm cải thiện đời sống của nhân dân bị bỏ lại phía sau khi tầng lớp thượng lưu tăng lên một cách nhanh chóng là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là chính quyền ổn định và không phải lo lắng về con đường phát triển kinh tế.
Chiến lược chiếm lĩnh thế giới bằng lĩnh vực công nghệ cao
Ông Hamada nhận xét, hiện nay, Việt Nam đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp IT và Bộ Thông tin và Truyền thông đang ủng hộ, thúc đẩy mạnh mẽ phương châm phát triển ngành công nghiệp này.
Người Việt Nam vốn yêu thích những điều mới mẻ. Trong nước hiện có 60 triệu người đang sử dụng mạng Facebook, Youtube. Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới về lượng người dùng Facebook.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, nơi đang thúc đẩy chiến lược phát triển IT là nguyên Tổng giám đốc công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam Viettel. Qua đó để thấy, việc tìm người tài của Chính phủ cũng đặt trọng tâm cho chiến lược quốc gia về IT.
Việt Nam đã bắt đầu thể hiện động thái cung cấp dịch vụ cho các nước đang phát triển lân cận như Myanmar, Campuchia, Lào. Như vậy, một cường quốc mới trong tương lai được sinh ra từ châu Á với vũ khí là IT.
Chính phủ Việt Nam đang ấp ủ kế hoạch phát triển có thể sánh ngang tầm với thung lũng Silicon của Mỹ. Dựa trên chiến lược quốc gia nhắm đến vị trí số một thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam liên tục có những động thái phát triển, áp dụng các dịch vụ mới có sử dụng IT trong nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, nông nghiệp, du lịch…
Việt Nam cũng đang thể hiện quan tâm lớn tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông khẳng định, Nhật Bản nên tận dụng tối đa cơ hội này, cần xem trọng Việt Nam như là một cộng sự trong tương lai.
Ông Hamada cho rằng, Việt Nam có chiến lược đối ngoại vô cùng khôn ngoan với Trung Quốc.
Nhận định của ông Hamada “Đến 2048, Viêt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế”, theo ông Nguyễn Đình Cung, dựa trên các cơ sở như: Việt Nam là một nước đông dân, tầng lớp thượng lưu giàu có ngày càng tăng; dân số trẻ, thị trường tự do cởi mở; tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Những người trẻ ở Việt Nam năng động, có tinh thần thách thức, khám phá, là môi trường cởi mở cho áp dụng công nghệ và dịch vụ mới.
Dù không phải đồng tình hết với những nhận định của ông Hamada, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là dịp tốt để người Việt Nam nhìn lại các tiềm năng, cơ hội hiện tại, cũng như các vấn đề mà đất nước đang đối mặt để bứt phá đến viễn cảnh cường quốc.
Ông nhắn nhủ đến những người trẻ: “Nếu nghĩ về tương lai 50 năm, 100 năm nữa thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có chuyện các cường quốc lại giành quyền thống trị thế giới. Chúng ta đang đi đến thời đại G0, không có siêu cường nào cả, là thời đại mà mỗi người sẽ tạo ra đất nước lý tưởng, không gian lý tưởng cho riêng mình… Sẽ không còn các siêu cường quốc và năng lực của từng cá nhân sẽ được tối ưu”.
Tư Giang/VNN