+
Aa
-
like
comment

‘Đỉnh dịch xuất hiện là tín hiệu khả quan’

07/08/2020 22:23

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, việc xác định đỉnh dịch thể hiện khả năng phát hiện và kiểm soát các nguồn lây của ngành y tế.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: “Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới”. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

Đỉnh dịch có ý nghĩa gì?

– Đỉnh địch tại Việt Nam được dự đoán sắp đến. Khi đó, tình hình dịch sẽ diễn biến thế nào?

– Hiện nay, chúng ta chưa tìm thấy F0. Do đó, các ca ghi nhận đều là nguồn lây. Khi càng nhiều nguồn lây khác nhau, dịch càng lan rộng, đến mức độ sẽ đạt số ca mắc cao nhất, tức đỉnh dịch. Sau đó, số ca mắc mới sẽ đi xuống nhờ thực hiện các biện pháp can thiệp để không cho nguồn lây phát tán như giãn cách, xét nghiệm, truy vết…

Đỉnh dịch cũng thể hiện khả năng phát hiện của ngành y tế. Khi đó, tất cả ca mắc được phát hiện cùng lúc, nguồn lây sẽ giảm dần.

Để dự đoán được thời điểm xảy ra đỉnh dịch, người ta cần căn cứ vào việc đã xác định được nguồn ở đâu, biết được gần hết hay chưa, những can thiệp (chủ yếu là xét nghiệm và truy vết) ở mức độ nào trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng ta cũng cần căn cứ vào chu kỳ của dịch.

Lãnh đạo Bộ Y tế dự đoán Việt Nam sẽ có đỉnh dịch Covid-19 trong vòng 10 ngày tới. Ảnh: Duy Hiệu.

– Như vậy, xác định được đỉnh dịch là tín hiệu khả quan?

– Đúng vậy. Đỉnh dịch xuất hiện là tín hiệu khả quan. Không xác định được đỉnh dịch mới đáng lo ngại. Việt Nam được dự đoán sẽ có đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới nghĩa là đã nắm chắc các nguồn phát tán của dịch bệnh và khống chế chúng. Đồng thời, số ca trong cộng đồng dự kiến sẽ được tìm ra trong khoảng thời gian này.

Dịch Covid-19 đang trong tình trạng phức tạp. Hiện 13 tỉnh, thành có dịch. Song các tỉnh khác chưa chắc đã an toàn. Chúng ta phải xác định chung sống an toàn với dịch bệnh, quan trọng là bảo vệ các cơ sở y tế. Khi chưa thể tìm ra nguồn lây, bệnh viện chính là nơi dễ phát sinh các ca bệnh. Vì vậy, các cơ sở y tế nên cảnh giác, phân luồng bệnh nhân cẩn thận.

– SARS-CoV-2 được ghi nhận ở Đà Nẵng đã biến chủng. Chúng có nguy hiểm hơn?

– Chủng virus này du nhập từ bên ngoài, khác các chủng trước. Đến nay, chúng tôi chưa thấy bằng chứng về việc chúng nguy hiểm hơn. Virus SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng cũng không phải lây nhanh hơn. Do chúng được tích lũy từ lâu, trải qua nhiều chu kỳ nên Đà Nẵng mới lây lan nhiều ca như vậy.

Với Bệnh viện Bạch Mai, do khống chế sớm nên dịch nhanh được kiểm soát. Ở Đà Nẵng, dịch được xác định xuất hiện từ đầu tháng 7, tới 25/7 mới phát hiện các ca đầu tiên, đương nhiên sẽ lây lan nhiều hơn. Một chu kỳ của virus thường kéo dài 14 ngày. Trong khoảng 3-7 ngày, chúng sẽ gây bệnh cho vật chủ. Trước đó, virus đã có thể lây lan. Thời điểm lây lan mạnh nhất là sau khi phát bệnh.

BN714 từng khẳng định không mắc Covid-19

– Vừa qua một số tỉnh đã tiến hành xét nghiệm nhanh với những người có nguy cơ cao dẫn đến bỏ sót ca bệnh. Ông đánh giá sao về tình trạng này?

– Xét nghiệm nhanh tìm kháng thể không có giá trị khẳng định. Nếu xét nghiệm sớm quá, người đó sẽ âm tính vì chưa tìm thấy kháng thể. Trong khi đó, dương tính cũng chưa thể khẳng định người đó có bệnh. Họ chỉ có thể từng nhiễm. Như thế, thời gian nhiễm bệnh đã qua.

Nguy hiểm nhất, người âm tính lại cho rằng mình không có bệnh. Họ sẽ không thực hiện cách ly cũng như các biện pháp phòng bệnh khác. Ca bệnh 714 ở Hà Nội chính là điển hình của việc này. Người này đã xét nghiệm nhanh âm tính. Khi đến Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân cương quyết mình đã xét nghiệm và không mắc bệnh. Tâm lý này rất nguy hiểm.

Các tỉnh, thành không nên xét nghiệm nhanh để xác định nguồn lây. Đó là chiến lược chưa chuẩn. Xét nghiệm nhanh chỉ nên được thực hiện để xác định tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, thiên về điều tra dịch tễ.

Hà Nội mới đây đã quyết định xét nghiệm rRT-PCR với người về từ Đà Nẵng từ 8/7 đến nay sau khi xét nghiệm nhanh hàng loạt. Điều này khiến chúng ta yên tâm hơn.

– Ông đánh giá như thế nào về các ca tử vong ở nước ta? 10 người không qua khỏi trong thời gian ngắn có đáng lo ngại?

– Ở các nước phương Tây, số ca tử vong tăng nhanh vì dịch ghi nhận trong viện dưỡng lão với những người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền. Việc mắc thêm Covid-19 như giọt nước tràn ly.

Việt Nam cũng tương tự. Để khống chế không có ca tử vong là rất khó. Chúng ta không thể so sánh với trường hợp nam phi công người Anh. Bệnh nhân này có thể lực khỏe, chỉ cần điều trị bệnh Covid-19.

Với những bệnh nhân đã tử vong ở nước ta, Covid-19 chỉ là một phần. Đa số bệnh nhân tử vong do những rối loạn từ trước. Khi mắc thêm Covid-19, vấn đề càng khó giải quyết hơn. Khi số ca tử vong được ghi nhận ở người trẻ, không có bệnh nền, tình trạng mới đáng lo ngại.

– Người dân cần làm gì trong thời điểm đỉnh dịch xuất hiện?

– Đầu tiên, người dân phải hiểu được dịch bệnh này, nhất là con đường lây truyền. Khi hiểu được, người dân mới yên tâm rằng tình hình không quá nguy hiểm song cũng không được chủ quan. Từ đó, họ cần có thái độ, thực hành chuẩn như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thận trọng khi tiếp xúc.

Đặc biệt, những người từng đến nơi có nguy cơ phải khai báo đầy đủ. Điều đó chính là bảo vệ bản thân và gia đình mình. Những người đã có kết quả âm tính bằng xét nghiệm nhanh tuyệt đối không chủ quan, cần tiếp tục thực hiện cách ly, tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng.

Thuận Anh/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều