+
Aa
-
like
comment

Đỉnh cao 20 năm số 1 thế giới, phá sản ôm nợ trên mỏ ‘vàng đen’

15/01/2020 07:39

Từ 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ ngôi số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Song, vài năm trở lại đây, người nông dân đang rơi nước mắt, ôm nợ tiền tỷ do mặt hàng từng được ví là “vàng đen” mất giá.

Nỗi buồn hàng bán nhiều, tiền thu ít

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Cụ thể, năm 2001 với lượng xuất khẩu đạt 56.509 tấn, chiếm 28,3% thị phần. Đến 2010, con số xuất khẩu đạt 116.861 tấn và tỷ lệ này tăng lên 43,4%. Năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 284.000 tấn và chiếm gần 70% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới.

Tuy nhiên, số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, sau khi đạt kim ngạch kỷ lục vào năm 2016 với 1,42 tỷ USD, giá trị xuất khẩu hồ tiêu bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, năm 2017 xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt  1,11 tỷ USD; năm 2018, giảm còn 758,8 triệu USD.

Kết thúc năm 2019, mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng 23,4% song giá trị chỉ đạt 715 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2018.

Đỉnh cao 20 năm số 1 thế giới, phá sản ôm nợ trên mỏ 'vàng đen'
Khi giá tiêu sốt trên toàn thế giới, mặt hàng này được xem như “vàng đen” của nông dân

Dù khối lượng xuất khẩu vẫn tăng đều đặn, 2019 là năm thứ hai liên tiếp mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trượt khỏi mốc tỷ USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu hồ tiêu của nước ta bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với năm 2018.

Tính đến nay, dù giữ ngôi bá chủ, xuất khẩu đi 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng mặt hàng hồ tiêu đang phải chịu cảnh hàng bán ngày càng nhiều còn tiền thu về ngày một ít dần đi.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu, lý giải, tiêu rớt giá chủ yếu là do mất cân đối cung cầu.

Còn nhớ năm 2013-2014 giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm, khoảng 230.000 đồng/kg, nông dân các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích tiêu. Tiêu khi ấy được xem là mặt hàng “vàng đen” của người nông dân. Thế nên, loại cây này được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao.

Diện tích tiêu của Việt Nam vì thế tăng chóng mặt. Nếu 2001, cả nước mới có 35,3 nghìn ha; năm 2010 tăng lên 51,5 nghìn ha thì đến năm 2017 đã cao gấp ba lần, lên gần 152 nghìn ha. Từ năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần song vẫn còn khoảng 140 nghìn ha.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai Vũ Ngọc An thừa nhận, quy hoạch trồng tiêu của Gia Lai đến năm 2020 chỉ là 6.000ha. Tuy nhiên, thời đỉnh điểm, diện tích trồng tiêu trên toàn tỉnh đã lên tới 16.300 ha. Khi tiêu được giá thì dù quy hoạch, khuyến cáo ra sao người dân cũng vẫn đổ xô làm tiêu.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với một số quốc gia khác. Do đó, 2 năm trở lại đây, Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil khi 80% lượng bán ra đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong khi tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô.

Đỉnh cao 20 năm số 1 thế giới, phá sản ôm nợ trên mỏ 'vàng đen'
Nhưng do ồ ạt mở rộng diện tích, cung vượt cầu giá tiêu giảm mạnh, những vườn tiêu ở Tây Nguyên bắt đầu chết dần chết mòn

Ôm mộng làm giàu rồi vỡ nợ tiền tỷ

Dự báo nguồn cung hồ tiêu toàn cầu vẫn dồi dào và nhu cầu của các nước chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh thì chuỗi ngày chìm trong cơn khủng hoảng giảm giá của người dân trồng tiêu có lẽ vẫn chưa kết thúc.

Những ngày giáp Tết, thay vì không khí nhộn nhịp như những vùng quê khác, đi sâu vào vùng “lõi” trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) sẽ thấy không khí ảm đạm bao trùm với những căn nhà chỉ còn toàn trẻ nhỏ và người già. Đọc đường đi, không khó để bắt gặp những tấm biển “bán đất” được gắn trước nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài. Còn những vườn tiêu cây xanh tốt trước kia nay biến thành “nghĩa địa tiêu”.

“Nông dân Chư Sê, Chư Pưh giàu lên vì tiêu, mạt vận cũng vì tiêu”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sư Hoàng Phước Bính nói.

Đỉnh cao 20 năm số 1 thế giới, phá sản ôm nợ trên mỏ 'vàng đen'
Một số nông dân cố gắng chuyển đổi cây trồng để duy trì cuộc sống

Ngồi trong căn nhà chẳng còn đồ đạc gì đáng giá, chị Đào Thị Bình (tên nhân vật đã được thay đổi) một hộ dân tại thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh tâm sự, cách đây khoảng 5 năm, gia đình chị vay 1 tỷ đồng để trồng tiêu mong muốn đổi đời vì khi đó tiêu được giá cao. Thế nhưng, tiêu ngày càng rớt giá. Hơn 5.000 trụ gốc tiêu đã chết, còn hơn 1.000 trụ góc tiêu trên rẫy cũng đang chết dần chết món.

“Khoảng 2 năm nay, gia đình tôi không có đủ tiền trả lãi ngân hàng. Thậm chí tiền ăn còn không đủ. Chồng tôi phải đi làm ăn xa, con lớn học hết phổ thông cũng buộc phải nghỉ học vì gia đình không có tiền”, chị Bình xót xa.

Không ôm nợ tiền tỷ, song với khoản nợ 300 triệu đồng cũng khiến ông Võ Hoài Nhơn ở thôn Hòa Bình (Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đứng ngồi không yên. Gia đình ông Nhơn khánh kiệt vì cây tiêu nên hơn 1 năm nay, ông đã phải treo biển “bán đất”.

Ở thị trấn Nhơn Hòa, những tin nhắn, cuộc điện thoại của cán bộ ngân hàng nhắc về khoản nợ luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người nông dân trồng tiêu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tám ở thôn Phú An, xã Ia hrú (Chư Pưh) cho biết, cả thôn có khoảng 200 hộ dân, hầu như hộ nào cũng trồng tiêu. Làm càng nhiều, nợ càng lớn. Nhà ông đang nợ tới 750 triệu đồng.

Đỉnh cao 20 năm số 1 thế giới, phá sản ôm nợ trên mỏ 'vàng đen'
Không ít nông dân ôm nợ tiền tỷ vì tiêu, phải treo biển bán nhà, đi làm thuê để trả nợ

“Trước đây, người dân huyện Chư Pưh làm giàu vì cây tiêu thì hiện nay cũng nghèo đi vì tiêu. Nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê để trả nợ và lãi vay ngân hàng”, ông Tám chia sẻ.

Tại một cuộc hội thảo bàn về phát triển ngành hồ tiêu vào giữa năm 2019,  theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, thời điểm đó, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu là trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay, trong đó có khoảng 2.600 tỷ đồng là nợ quá hạn, riêng nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng.

Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh lớn nhất Tây Nguyên. Trong khi con số này ở Đắk Lắk là 2.210ha trên tổng diện tích toàn tỉnh 38.616 ha; tại Đăk Nông, diện tích tiêu bị chết là 1.827ha/34.113ha.

Ông Hoàng Phước Bính cho biết, Hiệp hội đã khuyến cáo bà con ngưng trồng tiêu, chuyển đổi mô hình sản xuất; ba năm tới hãy tính đến chuyện trồng mới vì khi đó giá tiêu mới cải thiện. Hiệp hội mong muốn Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, nghiên cứu đến việc đa dạng hóa cây trồng để người dân lựa chọn, yên tâm sản xuất.

Tâm An/VNN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều