+
Aa
-
like
comment

Điều tra xong vụ ăn chặn hàng từ thiện tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật

Thành Nhân - 31/12/2019 21:39

Hiện nay, Thanh tra TP. Hà Nội đã có dự thảo kết quả thanh tra về vụ việc ăn chặn hàng từ thiện tại trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì.

Những phận đời đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.

Liên quan đến việc nhiều cán bộ, nhân viên của Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội ăn chặn hàng từ thiện từ tháng 5/2019, chiều 31/12, tại hội nghị giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Giám đốc sở Lao Động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, hiện Thanh tra TP. Hà Nội đã có kết quả thanh tra và các chỉ thị của TP Hà Nội.

“Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn Thanh tra Thành phố đã có dự thảo xong kết luận và đã trình lên UBND TP. Hà Nội. Khi Thành phố chỉ đạo, sở sẽ thực hiện nghiêm túc”, vị Phó giám đốc sở cho hay.

Thanh tra xong vu an chan hang tu thien tai trung tam nuoi duong nguoi gia va tre em tan tat
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Giám đốc sở Lao Động, Thương binh và Xã hội.

Ăn chặn hàng từ thiện đã diễn ra nhiều năm

Trước đó, như phản ánh trên báo chí, nhiều cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (có địa chỉ tại xã Thuỵ An, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài. Hàng từ thiện được tuồn ra ngoài bán diễn ra thường xuyên, số lượng lớn, nhất là sau mỗi đợt thiện nguyện.

Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Ảnh: Bảo Loan

Ngay lập tức đoàn cán bộ của sở LĐ-TB&XH có mặt tại trung tâm để để làm rõ nội dung trên. Đồng thời, yêu cầu Giám đốc Trung tâm kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân liên quan. Xác định rõ danh tính của các trường hợp tham gia vận chuyển hàng, quà ra bên ngoài.

Sau đó, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội, cho biết: “Tôi thực sự rất buồn khi cán bộ trung tâm có hành vi không đúng như vậy. Những trường hợp này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến trung tâm. Trách nhiệm của chúng tôi là phối hợp với cơ quan chức năng, báo chí làm rõ, phải xử lý nghiêm. Những đối tượng liên quan có mua, bán xin xỏ thế nào…, bây giờ sẽ phải giải trình, sau đó tôi sẽ làm việc với Sở LĐ-TB&XH”.

Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội nơi bị tố cáo và đang bị điều tra về hành vi ăn chặn hàng từ thiện của người tàn tật.

Từ khi hình ảnh những cán bộ trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật ăn chặn hàng từ thiện bị phát giác, báo chí vào cuộc và đưa hàng loạt tin bài viết phản ảnh việc nhiều cán bộ, nhân viên đang công tác tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài bán diễn ra thường xuyên, số lượng lớn, nhất là sau mỗi đợt thiện nguyện.

Nhiều người dân xung quanh Trung tâm cho biết: “Chuyện này xưa như trái đất rồi, tồn tại cũng gần 20 năm nay(?). Ngày xưa Hà Tây chưa sát nhập Hà Nội thì trung tâm này chỉ nhận nuôi dưỡng những người già có hộ khẩu ở nội đô nhưng sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì trung tâm nhận chăm sóc cả những trẻ em tàn tật, khuyết tật và những đối tượng không nơi nương tựa. Vì vậy, những đối tượng ở trung tâm đó không chỉ có những người không thể nhận thức mà có cả những người bình thường”.

“Không chỉ riêng tôi mà tất cả người dân ở thôn này, xã này đều biết chuyện (ăn chặn) lâu lắm rồi nhưng nói ra thì chúng tôi có yên không và chúng tôi sẽ được gì (?). Sự việc xảy ra chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi”, một người dân gần Trung tâm cho hay.

Những phận người ở đây, họ biết nhưng không hiểu về ăn chặn hàng từ thiện.

Trong cửa hàng của một người dân chua xót chia sẻ: “Chuyện này diễn ra lâu rồi. Vào thời điểm cuối ngày, hàng hóa từ trung tâm được tuồn ra và đưa đến các cửa hàng tạp hóa trong khu chợ thôn Liên Minh. Đến một đứa trẻ 10 tuổi cũng nhận biết được đâu là hàng từ thiện được bán lại. Giá họ bán ra cũng rẻ lắm. Một chiếc khăn tắm có giá bán hàng mấy trăm nghìn thì ở đây chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/cái. Gói bánh, gói kẹo có giá vài chục nghìn thì kẹo của trung tâm chỉ 2.000 – 5.000 đồng/gói. Dân ở đây mua về đãi thợ xây hàng bao tải, mỗi tải chỉ 100.000 đồng”.

Từng là cán bộ chăm sóc tại trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật nên khi được hỏi đến sự việc gây “rúng động” vùng quê thôn Liên Minh, bà N.T.T (57 tuổi) như thể được dịp nói ra những điều đang lắng đọng trong lòng. Bà T bức xúc: “Hàng hóa (từ trung tâm) tuồn ra ngoài còn thấy được thì lấy cơ sở nào khẳng định tiền mặt có được từ các đoàn thiện nguyện được sử dụng đúng mục đích (?)”. Bà T thẳng thắn: “Rất nhiều đoàn từ thiện đến đây, họ mang cả tiền, cả vật phẩm. Có những ngày, có cả chục đoàn đến trao quà từ thiện nhưng chính việc làm từ thiện ồ ạt, không tìm hiểu trước lại vô hình chung tiếp tay cho lòng tham của mỗi con người”.

Một nữ cán bộ văn phòng của trung tâm cũng chia sẻ thêm, ngay sau khi sự việc thông tin rộng rãi trên công luận, đã không ít nhà từ thiện, đoàn từ thiện liên lạc hỏi han, tâm sự, thậm chí là chỉ trích cũng có.

Tieu Diem (Tổng hợp)

 

Bài mới
Đọc nhiều