+
Aa
-
like
comment

Điều tra của Al Jazeera: Síp bán quốc tịch cho tội phạm

25/08/2020 12:02

Chỉ cần chi 2,5 triệu USD (khoảng 57 tỉ đồng), hàng chục chính trị gia, với khối tài sản kếch xù đáng nghi ngờ và đến từ khắp thế giới, đã đua nhau mua ‘hộ chiếu vàng’ từ Cộng hòa Síp. 

Al Jazeera, một đài lớn và có sức ảnh hưởng ở Trung Đông, hôm 23-8 đã công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là “mua bán hộ chiếu châu Âu” của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến 2019.

Nhiều quan chức nước ngoài đã tìm cách có hộ chiếu từ Síp trước khi bị bắt giữ – Ảnh chụp màn hình

Với tên gọi “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Síp), các bài của Al Jazeera đã hé lộ việc Síp “bán” hộ chiếu cho cả những tên tội phạm bị kết án và những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật. Hàng ngàn trang tài liệu liên quan cũng được công bố.

Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Síp trở thành vật sở hữu đáng thèm muốn của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Những người giữ hộ chiếu Sip cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực.

Có cầu ắt có cung, chính quyền Síp đã mở “Chương trình đầu tư Síp”, cho phép bất kỳ ai chi ra tối thiểu 2,5 triệu USD dưới danh nghĩa “tiền đầu tư” trở thành công dân Síp. Hàng ngàn hồ sơ từ 70 quốc gia đã rào rạt bay tới đảo quốc phía đông châu Âu này sau đó.

Các hồ sơ xin “đầu tư” vào Síp đến từ Nga nhiều nhất, kế đến là Trung Quốc, Urkaine và một số nước Trung Đông, Đông Nam Á.

Trong số những người đã cầm trong tay “hộ chiếu vàng” có hàng chục quan chức nước ngoài cấp cao và gia đình của họ. Các cá nhân này nằm trong diện có nguy cơ tham nhũng cao, vì dính tới hoạt động chính trị và sở hữu tài sản khủng.

Maleksabet Ebrahimi, nằm trong danh sách truy nã của Interpol vì tội rửa tiền và gian lận ở Iran và Canada, là một trong những người được cấp hộ chiếu Síp. Ảnh: Al Jazeera

Những đối tượng lừa đảo, rửa tiền và chính trị gia đã bị kết án ở quốc gia của họ nằm trong danh sách vài chục người từ hơn 70 quốc gia đã bỏ tiền mua “visa vàng” của đảo Síp, theo nhiều tài liệu mà tổ điều tra của Al Jazeera có được. Tập tài liệu này có thông tin của hơn 1.400 đơn xin cấp visa được Síp cấp từ năm 2017-2019, làm dấy lên hoài nghi về chương trình đầu tư visa vàng vào Síp.

Hộ chiếu được Síp cấp có thể là yếu tố quan trọng để người đến từ các nước bị hạn chế có thể vào châu Âu nhanh chóng. Síp là một thành viên của EU nên những người có hộ chiếu của nước này có thể đi lại và làm việc tự do ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Để được cấp visa của Síp, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro vào nước này, thường bằng cách mua bất động sản, và phải có lý lịch không dính dáng đến tội phạm. Tuy nhiên, người nộp đơn tự khai thông tin này. Dù giới chức Síp khẳng định có kiểm tra lý lịch của họ, các tài liệu mà Al Jazeera có được cho thấy việc này không phải lúc nào cũng được thực hiện.

Từ khi được bắt đầu được triển khai năm 2013, chương trình đầu tư của Síp đã nhiều lần bị EU chỉ trích và kêu gọi kết thúc. Từ năm 2013, khi chương trình quốc tịch được triển khai, Síp đã thu hút hơn 7 tỷ euro. Từ năm 2017-2019, các nước có nhiều người nộp đơn xin cấp quốc tịch Síp là Nga, Trung Quốc và Ukraine.

Một trong những người được Síp đồng ý cấp quốc tịch là ông trùm người Ukraine Mykola Zlochevsky, chủ tập đoàn năng lượng Burisma. Khi mua quốc tịch Síp năm 2017, Zlochevsky đang bị giới chức Ukraina điều tra cáo buộc tham nhũng. Tháng 6/2020, các công tố viên Ukraine cho biết họ được đề nghị nhận 6 triệu USD tiền mặt để dừng cuộc điều tra. Zlochevsky và Burisma đều nói không biết vụ hối lộ này.

Một đơn xin cấp quốc tịch tương tự là của Nikolay Gornovskiy, cựu sếp của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom. Gornovskiy đã bị đưa vào danh sách truy nã của Nga với tội danh lạm quyền khi Síp cấp hộ chiếu cho ông này năm 2019 và đến giờ giới chức Síp vẫn chưa chấp nhận dẫn độ. Những lá đơn khác được chấp nhận sau khi người nộp đơn đã bị bắt hoặc thậm chí đang ngồi tù, theo Al Jazeera.

Một người Nga là Ali Beglov được cấp hộ chiếu khi đang thụ án tù vì tội danh tống tiền, một điều trái với quy định chính thức của Síp. Doanh nhân Trung Quốc Zhang Keqiang cũng được cấp hộ chiếu Síp khi đang ngồi vụ vì tội lừa đảo.

Bà Laure Brillaud, quan chức cấp cao của Minh bạch quốc tế, một tổ chức phi chính phủ chuyên đấu tranh với tham nhũng quốc tế, cho rằng những thông tin này đáng lo ngại nhưng không gây ngạc nhiên.

“Những chương trình như thế này có rủi ro lớn về rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế. Chúng được thiết kế để thu hút những người tìm đường đến châu Âu nhanh chóng”, bà Brillaud nói với Al Jazeera.

TH

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều