Điều kỳ diệu: Việt Nam đã kéo “biển” về Lào như thế nào?

Việt Nam – Lào là quan hệ mẫu mực có một không hai trên thế giới. Giữa hai dân tộc không có sự áp bức và nô dịch, không có hiềm khích và thù hằn; Nhân dân hai nước từng có cả ngàn năm giúp đỡ, che chở lẫn nhau, là láng giềng chí cốt của nhau. Không chỉ là đối tác chiến lược mà Việt – Lào còn là anh em, được đặt nền tảng từ thời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Bởi vậy, chứng kiến những khó khăn mà Lào gặp phải khi là quốc gia duy nhất Đông Nam Á không giáp biển, Việt Nam đã quyết định kéo “biển” về cho người anh em của mình.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay, những bất lợi của vị trí không giáp biển ngày càng gia tăng. Việc không có đường ra biển dẫn đến thương mại hàng hải bị hạn chế, chi phí vận chuyển cao và buộc phải phụ thuộc vào nước láng giềng có biển. Trước khi được kéo “biển” Lào phải nhờ cậy cảng Bangkok (Thái Lan). Điều đáng nói việc sử dụng nhờ chiếm tới khoảng 95% thương mại nước ngoài của Lào, khiến cho việc tự chủ trong chính sách và vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn.

Không chỉ có vậy, đôi khi việc quá cảnh sang các nước láng giềng có biển còn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến những xung đột về chính trị (điển hình như Bolivia và Peru, Chile). Như nhà nghiên cứu Paul Collier đã từng nói, “Nếu bạn có biển, bạn phục vụ thế giới; nếu bạn không giáp biển, bạn phục vụ láng giềng của mình”.

Năm 2017, Chủ tịch nước Xuân Phúc khi đó giữ vị trí Thủ tướng Chính phủ, cùng Thủ tướng Thoonglun Sisoulith đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào. Tại đây, 4 văn kiện hợp tác quan trọng đã được ký kết. Đây là kỳ họp đầu tiên do hai Thủ tướng đồng chủ trì, cho thấy hai Chính phủ đặc biệt coi trọng và làm hết sức mình nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác song phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác hai nước.

Và cũng trong sự kiện vô cùng đặc biệt này, để Lào phát triển lâu dài, Ủy ban liên Chính phủ thống nhất, Việt Nam muốn giúp Lào từ nước không có biển thành nước có biển. Cho phép Lào tiếp cận Cảng biển Vũng Áng như cửa ngõ vào ASEAN. Thậm chí, như anh em trong nhà, Lào có thể xuất khẩu cũng như nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác thông qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam thuận lợi với đường đi của hàng hóa, với chi phí thấp nhất, chứ không chỉ qua một cảng Vũng Áng. Việc này tuy khó nhưng nếu cùng khai thác được hết tiềm năng thế mạnh của nhau thì sẽ làm được việc lớn.

Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam cùng thúc đẩy Lào cùng đầu tư, tranh thủ vốn quốc tế, nhằm mở ra nhiều tuyến kết nối hai nền kinh tế về hệ thống điện, mạng viễn thông, giao thông với trọng tâm là kết nối đường bộ, đường sắt, đường ống xăng dầu nhằm đưa hàng hoá của Lào qua các cảng của Việt Nam đi quốc tế. Chính vì vậy, dự án đường sắt và ống dẫn dầu nối với Lào với cảng Vũng Áng, nhất là cao tốc Vientiane – Hà Nội đã được tiến hành. Hai bên coi đây là điểm quan trọng phát triển chiến lược nhằm giúp Lào có thể khai thác được thị trường của Việt Nam, cũng như đưa hàng hóa ra thế giới.

Từ tinh thần ấy lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Lào đã chính thức có “biển”. Không phải là sử dụng nhờ mà là chính thức được đầu tư và khai thác. Thời điểm đó truyền thông quốc tế cũng tốn khá nhiều giấy mực về quyết định đầy tình cảm của Việt Nam dành cho Lào này.

Cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương (thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, nằm trên địa bàn TX Kỳ Anh) có độ sâu tự nhiên từ – 11m đến – 22m. Với độ sâu lý tưởng này, cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5 – 30 vạn DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.

Đặc biệt, từ lợi thế nằm khá gần tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch qua biển Đông – nơi chiếm khoảng 50% tổng lượng vận tải biển của thế giới, Vũng Áng không chỉ có tiềm năng trở thành một cảng đầu mối của Việt Nam mà còn trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển cho Lào và cả vùng Đông Bắc Thái Lan.

Được biết, Cảng Vũng Áng giai đoạn hoàn thiện sẽ có tới 17 bến (11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu). Cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có tới 51 bến chuyên dùng (32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến cho khu lọc hóa dầu Formosa, 6 bến tàu cho Nhiệt điện Vũng Áng).

Cảng biển đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển ngành logistics của mỗi quốc gia, vùng miền. Sự phát triển của cảng biển giúp ngành logistics giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Với tiềm năng, lợi thế của vùng biển phía Nam Hà Tĩnh, hệ thống cảng biển Vũng Áng – Sơn Dương sẽ là cơ sở cho sự phát triển logistics cho Việt Nam và cả Lào.

Công ty CP Cảng Vũng Áng Việt – Lào (nay là Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt) được thành lập theo thỏa thuận giữa 2 Chính phủ, với hình thức liên doanh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào.

Năm 2018, nhiều cảng biển trong nước lượng hàng hóa sụt giảm khá mạnh, song tại Cảng quốc tế Lào – Việt lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn đạt 3 triệu tấn, gấp đôi công suất thiết kế của cầu cảng số 1 và số 2. Năm 2019, sau khi hoàn thiện thêm cơ sở vật chất, 3 tháng đầu năm đã báo lãi ròng lên đến 48 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh lợi nhuận sau thuế đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 4 tỷ đồng so với năm 2019. Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 249,1 tỷ đồng.

Có thể nói cảng Vũng Áng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chính sách của Chính phủ Lào. Từ việc tiếp cận hàng hải cho đến việc tăng cường kết nối khu vực. Đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thông qua phát triển lĩnh vực giao thông vận tải và thương mại, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt giữa Lào và Việt Nam. Vậy nên, cũng không lạ lẫm khi Chủ tịch Quốc hội Lào sau khi nhậm chức đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên. Và cũng như Việt Nam đón tiếp Chủ tịch bằng nghi lễ cao nhất với cái nắm tay thật chặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thực hiện: Thu An

Đồ họa: M.N