Điều kỳ diệu sau thí nghiệm với 2 lọ cơm của cô trò ở Vĩnh Phúc
Đề bài mà cô giáo Trần Thị Dung ra cho học sinh là: Cho cơm vào 2 cái lọ đặt xa nhau. Một lọ thường xuyên trút giận dữ hằn học. Một lọ nói lời yêu thương và chia sẻ niềm vui.
Cô giáo Trần Thị Dung và 35 học sinh lớp 10 Chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, vừa kết thúc bài tập thực hành được làm trong vòng 3 tuần.
Những cô bé, cậu bé vừa thực hiện thí nghiệm “mắng” lọ cơmBài tập mà cô Dung giao cho những cô cậu học sinh lớp mình làm chủ nhiệm như sau: lấy cơm (ấm nóng, từ cùng một nồi, cùng thời điểm) đưa vào 2 lọ sạch giống nhau, được đậy nắp kín. Sau đó, mỗi lọ để ở một góc phòng cách xa nhau để không bị lẫn tạp âm của nhau. Một lọ ngày nào cũng được nghe những lời yêu thương, một lọ ngày nào cũng nghe những lời bực dọc coi như đó là nơi trút giận mỗi ngày. Khi nói, học sinh không được mở nắp lọ, và các em chụp ảnh lại sau mỗi tuần.
Ban đầu, học sinh cười bảo cô “Em làm thí nghiệm này bố mẹ lại bảo em có vấn đề”.
Để rồi, sau khi có kết quả, các em vô cùng ngạc nhiên, không giải thích tại sao lại kì diệu như thế.
“Sở dĩ, tôi cho học sinh làm thí nghiệm này vì tình cờ đọc được một thí nghiệm “cái cây bị mắng chửi nhiều đã chết” và nghe chia sẻ từ một cô đồng nghiệp về thí nghiệm “bát cơm hạnh phúc”.
Kết quả ở đây là thí nghiệm sau 3 tuần. Về xử lý số liệu, không phải học sinh nào cũng có kết quả rõ ràng như vậy, có bạn ra kết quả 2 lọ rất khác nhau, nhưng có bạn kết quả 2 lọ không khác nhau về mặt cảm quan.
Với thí nghiệm này, mục đích chính của tôi là kiểm tra lại những điều mình đã đọc, đã nghe xem có ra kết quả như vậy không” – cô Dung cho biết.
Theo cô Dung, độ tin cậy về khoa học của thí nghiệm này là không khái quát được. Nhưng cô Dung không quá chú ý vấn đề đó.
“Tôi chỉ tập trung vào các trường hợp kết quả rõ ràng để truyền thông điệp tới các em và phụ huynh học sinh. Đó là phụ huynh thấy được ảnh hưởng của ngôn từ đối với con em họ và trở thành những người cha, người mẹ luôn đồng cảm với các con”.
Thí nghiệm này cũng là cách cô Dung tự nhắc mình phương châm khi làm giáo dục: Sự yêu thương và tôn trọng, động viên kịp thời dành cho học sinh.
“Điều này, từ ngày bắt đầu đi dạy, tôi đã đã luôn làm thế. Có những học sinh đã gửi email rất dài cho tôi về tình trạng của em ấy và xin lời khuyên, mong muốn nhận được lời động viên từ cô để có thêm động lực. Cũng có những học sinh cũng gửi email rất dài chỉ để chúc mừng sinh nhật cô vì một tin nhắn thì không nói hết được… Và còn rất nhiều điều khác nữa có thể nói lên sức mạnh của ngôn từ”.
Cô Dung còn vui vẻ chia sẻ rằng hàng tháng, cô đều tổ chức sinh nhật cho các bạn trong lớp, tặng các em những quyển sách ý nghĩa. “Tôi cũng mua cây hoa tặng học sinh để các bạn chăm sóc, cho tâm hồn đẹp hơn, yêu đời hơn, giống… cô giáo chúng nó”.
Một trường học ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã tiến hành thí nghiệm với hai chậu cây xanh.
Cả hai chậu cây đều được đặt trong lồng kính, được chăm sóc nghiêm ngặt giống nhau với cùng lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời.
Họ kêu gọi học sinh, sinh viên của ngôi trường này tới dọa nạt, mắng chửi, chê bai một chậu cây trong khi dành những lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương với chậu cây còn lại.
Những lời nói của các em được ghi lại và sau đó phát đi phát lại bên “tai” của hai cái cây.
Những lời mắng chửi cái cây, chính là “bạo lực bằng lời nói”, ví dụ như: “Bạn là đồ bỏ đi, đồ vô dụng!”, “Bạn không xanh tươi chút nào!”, “Bạn trông giống như sắp héo đến nơi rồi”, “Bạn không được ai yêu thích, chẳng có công dụng gì!”…
Cái cây được yêu thương, ca ngợi thì được nghe những lời như thế này: “Tôi thích bộ dáng của bạn lắm!”, “Tôi rất vui khi nhìn thấy bạn”, “Bạn thật sự rất đẹp!”, “Thế giới này thay đổi vì bạn”, “Bạn thật tuyệt!”..
Cứ như vậy, thí nghiệm này kéo dài trong 30 ngày.
Và kết quả, 30 ngày sau, sự sống của hai chậu cây là khác biệt rõ rệt. Chậu cây bên trái bị dọa nạt trở nên héo úa, còn chậu cây bên phải được yêu thương phát triển xanh tươi.
Ngân Anh