+
Aa
-
like
comment

Điều ít ai biết về chữ ký khai thông một kỷ nguyên của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

09/08/2020 13:38

Có thể bạn chưa biết, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người đặt bút ký khai thông cho nền viễn thông internet của Việt Nam.

Tuy con đường phát triển hạ tầng viễn thông được đắp bởi công lao của rất nhiều người, sự chấp thuận của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 1997 là rất quan trọng để Việt Nam có thể kết nối Internet. Đó là giai đoạn nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu bắt đầu nhận chuyển giao quyền lực và bản thân ông cũng không hình dung được khả năng thay đổi thế giới của công nghệ này.

Cho đến giữa thập niên 1980, Việt Nam hoàn toàn là một quốc gia bị đóng cửa. Năm 1985, phải mất chín mươi phút mới có thể có một cuộc điện thoại gọi từ Việt Nam ra nước ngoài. Lúc đó, Việt Nam chỉ có sáu kênh vô tuyến nối Việt Nam với Hồng Kông. Năm 1993, tỉ lệ điện thoại chỉ đạt 0,087%, nghĩa là một vạn dân Việt Nam chưa có được một máy điện thoại.

Thời điểm quyết định kết nối Internet cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Việt Nam. Ông Chu Hảo (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ 1996 đến 2005 ) nói: “Từ ông Võ Văn Kiệt đến ông Phan Văn Khải đều ủng hộ, nhưng khó nhất là phải được Bộ Chính trị cho phép”. Cụ Đỗ Mười cũng trở thành một người ủng hộ, cụ nói: “Tôi mà thạo tiếng Anh có khi tôi còn sử dụng Internet nhiều hơn các anh vì tôi đọc nhiều hơn”.

Gặp đồng chí Lê Khả Phiêu, ông Mai Liêm Trực (Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông) trình bày về pháp lý, Chu Hảo nói về kỹ thuật, ông Nguyễn Khánh Toàn (Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Việt Nam) báo cáo về đảm bảo an ninh. Đây là giai đoạn ông Lê Khả Phiêu sắp trở thành Tổng bí thư, ông tỏ ra khá cởi mở.

Giáo sư Chu Hảo nói: “Chúng tôi chia sẻ những lo sợ của ông Phiêu cũng như của các vị trong Ban Bí thư về an ninh, về bí mật quốc gia, sợ văn hóa đồi trụy và phản động tràn vào Việt Nam. Chúng tôi nói về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành bảo mật thông tin nhưng không dám khẳng định là kiểm soát được tất cả. Chúng tôi cho rằng tường lửa cũng như cái khóa, khóa tốt thế nào cũng có người mở được, nên vấn đề quan trọng vẫn là con người. Ông Phiêu rất thích lập luận ‘vấn đề quan trọng là con người’, ông đồng ý”.

Tháng 12-1996, Trung ương Đảng khóa VIII họp Hội nghị lần thứ hai bàn về khoa học công nghệ. Ông Đỗ Trung Tá nói:

Tôi mở một phòng máy và dùng sơ đồ đơn giản nhất để ‘giới thiệu Internet và các biện pháp đề phòng’. Các ủy viên dự họp Trung ương được Tổng Bí thư Đỗ Mười cho phép tới tìm hiểu về Internet và tường lửa. Bằng vài thuê bao Internet nối với server của VDC, tôi cho tải các websites có nội dung tốt xuống cho các uỷ viên Trung ương xem; rồi cho tải những web-sex, các uỷ viên Trung ương giữ ý quay mặt đi, tôi cho anh em biểu diễn kỹ thuật ngăn các web-sex này lại. Các ủy viên Trung ương nói: Nếu làm được như thế thì cho mở được. Hội nghị Trung ương 2 thừa nhận Internet tải được trí tuệ của nhân loại về và tin rằng có thể ngăn các nội dung xấu”.

Ngày 5-3-1997, Chính phủ ban hành Nghị định 21 “quy định tạm thời quản lý Internet” theo nguyên tắc “quản lý được đến đâu thì phát triển tới đó”. Ngày 19-11-1997, tại trụ sở Tổng cục Bưu điện, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, “Lễ kết nối Internet toàn cầu” đã được long trọng tổ chức.

Mở ra một kỷ nguyên không thể ngờ tới cho Việt Nam sau này.

Vietnam Projects Construction

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều