Điều gì xảy ra nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật?
Xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang làm dấy lên các quan ngại về việc Nga sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Các nhà phân tích lo ngại Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tạo áp lực trong trường hợp bất lợi. Và khi cả lực lượng ủng hộ phương Tây của Ukraine cũng sử dụng loại vũ khí này để đáp trả, nếu xung đột vượt ra ngoài Ukraine, đây sẽ là trận chiến của các cường quốc hạt nhân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Nga nên dừng luận điệu “về sự nguy hiểm của hạt nhân” và cảnh báo nước này “không bao giờ có thể chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo chí hôm 28/3 rằng Moscow chưa nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng đồng thời nêu lên khả năng phải dùng đến nếu an ninh quốc gia bị đe dọa.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân vốn chưa bao giờ đơn giản, nay lại càng phức tạp hơn với loại đầu đạn chiến thuật mà Nga đang sở hữu. Chúng có sức công phá không bằng loại mà Mỹ đã thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến 2, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường.
Sarah Bidgood, giám đốc chương trình Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Cấm phát triển vũ khí hạt nhân James Martin ở Monterey, cho biết rất khó để ước tính mức độ rủi ro khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Nhưng có dấu hiệu cho thấy Nga dựa vào vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí chiến thuật, để quản lý rủi ro leo thang một cách linh hoạt hơn.
“Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ suy yếu và gặp mối đe dọa đến sự tồn vong của đất nước”, Bidgood nói.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?
Đó là loại đầu đạn có sức công phá khổng lồ và có thể san bằng một thành phố. Ngoài ra, Nga có đầu đạn phi chiến thuật nhỏ nhưng vẫn có thể gây sát thương và hủy diệt mạnh.
Sự khác biệt nằm ở cách chúng được sử dụng. Vũ khí chiến lược được thiết kế để tấn công với sức công phá như một phần của chiến lược tổng thể trong thời chiến.
Còn vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Một số loại có năng suất thay đổi, cho phép hiệu chỉnh sức nổ phù hợp cho một cuộc tấn công nhất định. Một số khác được gọi là bom neutron, là loại bom phát tán bức xạ chỉ bằng một vụ nổ tối thiểu.
Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga
Nhiều quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào vũ khí chiến thuật trong Chiến tranh Lạnh. Sau này, Mỹ và Nga đều cắt giảm các chương trình hạt nhân của họ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Hai bên đã thỏa thuận một hiệp ước kiểm soát vũ khí, có tên là New START vào năm 2010, giới hạn cả hai nước triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom. Tuy nhiên, các loại vũ khí chiến thuật nhỏ hơn không nằm trong thỏa thuận này lẫn các thỏa thuận quốc tế khác.
Một báo cáo do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố cho thấy Nga có một kho dự trữ tổng cộng khoảng 4.477 đầu đạn hạt nhân. Trong số này, khoảng 1.588 đầu đạn chiến lược đã được triển khai, 977 đầu đạn sẵn sàng được sử dụng, 1.912 đầu đạn phi chiến thuật đang được cất giữ ở kho trung tâm.
FAS lưu ý rằng các địa điểm lưu trữ này có thể gần với các căn cứ của lực lượng tác chiến (thêm 1.500 đầu đạn đang “nghỉ hưu” nhưng vẫn “còn nguyên vẹn”).
Trong khi đó, Mỹ có 1.644 vũ khí hạt nhân chiến lược được triển khai và 100 vũ khí chiến thuật đang ở châu Âu. Họ có thêm 1.984 đầu đạn đang được lưu trữ, trong đó 130 đầu đạn chiến thuật.
Tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga
Vào cuối những năm 1990, các vấn đề kinh tế và cuộc chiến ở Chechnya khiến các nhà lãnh đạo Nga bỏ bê phát triển công nghệ hạt nhân.
Năm 1999, sau cuộc gặp với Tổng thống thời ấy là Boris Yeltsin, ông Putin, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng An ninh Điện Kremlin, đã xác nhận “một kế hoạch chi tiết phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược”.
Theo các nhà phân tích phương Tây, trong những năm gần đây, Nga tạo ra học thuyết quân sự “leo thang để giảm leo thang”, trong khi đó các tài liệu của Nga không sử dụng cụm từ này.
Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 3, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ đã nhận định về học thuyết đó rằng: “Kết hợp tuyên bố của Nga với các cuộc tập trận sẽ dễ thấy rằng họ đang mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các thành viên NATO, khiến nhiều người tin rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược để ép buộc hoặc đe dọa các nước láng giềng”.
Adam Mount, giám đốc Dự án Quốc phòng tại Hiệp hội Khoa học gia Mỹ, nói rằng sự yếu kém của các hệ thống vũ khí thông thường có thể là nguyên nhân tiềm tàng mà Nga phụ thuộc vào hạt nhân.
Tại sao vũ khí hạt nhân ở Ukraine đáng lo ngại?
Không quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh từ sau khi Mỹ thả hai quả bom hạt nhân xuống Nhật Bản năm 1945. Tuy nhiên, giới chức Nga vẫn đưa ra nhiều bình luận về vũ khí hạt nhân. Ngày 27/2, Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng răn đe hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng.
Nga cũng đã phô trương công nghệ tên lửa mới trong chiến sự ở Ukraine, gồm tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal có thể di chuyển với tốc độ siêu thanh, tên lửa hành trình tầm xa mang tên Kalibr.
Mount cho biết cả hai tên lửa đều có khả năng kép, nghĩa là chúng có thể mang vũ khí thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân. Vì vậy, phương Tây sẽ không biết đó là một cuộc tấn công hạt nhân cho đến khi xảy ra vụ nổ. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy Nga đã chuyển đầu đạn chiến thuật ra khỏi kho.
Bidgood đánh giá rủi ro về vũ khí phi chiến lược ở Ukraine là thấp, nhưng đang có dấu hiệu tăng lên.
Mount nói: “Thực tế vẫn là việc sử dụng hạt nhân sẽ không giúp Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến hoặc khiến Washington từ bỏ hỗ trợ Kyiv”.
Không rõ Mỹ sẽ đáp trả như thế nào nếu Nga cho nổ vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ukraine không phải là một đồng minh của NATO nên nước này không bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ. Nhưng giới chức Mỹ vẫn xem xét nếu có trường hợp nghiêm trọng xảy ra.
Tùng Anh