+
Aa
-
like
comment

Điều gì xảy ra khi Việt Nam hạ cấp dịch Covid-19?

Hạ Băng - 04/06/2023 19:22

Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa có quyết định thống nhất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Đây được xem là cột mốc quan trọng sau hơn 3 năm kể từ thời điểm Thủ tướng công bố dịch Covid-19 toàn quốc (ngày 1/4/2020).

Covid-19 đã gây triệu chứng nhẹ như cúm

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định tình hình dịch Covid-19 tại nước ta đang được kiểm soát tốt.

Đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Các trường hợp nặng và tử vong phần lớn có bệnh nền, người già, chưa tiêm chủng, suy giảm miễn dịch…

“Những trường hợp này có thể diễn biến nặng nếu nhiễm bất kỳ virus gây bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chứ không chỉ mình SARS-CoV-2”, PGS Phu chia sẻ thêm.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, hiện số ca mắc mới ghi nhận trong nước tương đối ổn định ở mức thấp. Tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn so với các bệnh dịch khác như lao phổi, viêm phổi, cúm mùa…

“Việt Nam đã trải qua đỉnh dịch, có tỷ lệ tiêm chủng cao, đa phần người dân có ý thức phòng bệnh tốt. Nhìn chung, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta không có gì đáng ngại”, PGS Dũng thông tin thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho hay triệu chứng Covid-19 hiện tại rất nhẹ, có thể như cảm cúm thông thường.

Bệnh nhân nặng đa phần chỉ xuất hiện trong giai đoạn đầu của dịch, khi biến chủng Delta có độc lực cao chiếm ưu thế và tỷ lệ phủ vaccine cho người nguy cơ chưa cao.

Còn trong giai đoạn hiện tại, chủng Omicron và các biến chủng của nó đang chiếm ưu thế. Biến chủng này có độc lực không đáng kể, gây bệnh nhẹ, chủ yếu là đường hô hấp trên. Triệu chứng nhiễm cũng rất nhẹ, giống cúm thông thường.

“SARS-CoV-2 ngày càng biến đổi nhiều hơn, gây triệu chứng nhẹ hơn, thuần hơn với con người”, PGS Hùng nhận xét.

Những thay đổi sau khi hạ cấp dịch Covid-19
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, quyết định hạ cấp dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B của Bộ Y tế sẽ mang lại một số thay đổi đối với tình hình trong nước.

“Khi hạ Covid-19 xuống là bệnh truyền nhiễm nhóm B, người bệnh không còn bắt buộc phải cách ly, điều trị và vẫn sẽ được tự do đi lại bình thường…”, ông nói.

Trước đây, khi Covid-19 còn là bệnh truyền nhiễm cấp A gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, có khả năng lây lan và tử vong cao, người dân phải thực hiện các quy định bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt do nhà nước đề ra như hạn chế đi lại, làm xét nghiệm. Người mắc phải nhập viện, cách ly điều trị ngay khi phát hiện.

Ngoài ra, PGS Dũng cho biết khi hạ cấp bệnh Covid-19, nhà nước sẽ không chịu trách nhiệm chính trong việc chữa bệnh cho người dân như cung cấp địa điểm điều trị, thuốc men hay chi trả chi phí…

“Khi hạ cấp dịch, vấn đề điều trị, thuốc men hay chi trả chi phí y tế cho người dân sẽ không còn như cách ứng phó với bệnh truyền nhiễm nhóm A. Do đó, mọi người sẽ cần thanh toán chi phí chăm sóc sức khỏe, y tế nếu mắc Covid-19; chi phí tiêm vaccine nếu có…”, chuyên gia này thông tin thêm.

Khu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch tại Bệnh viện dã chiến số 13 (Bình Chánh, TP.HCM) hồi tháng 8/2021. Ảnh: Duy Hiệu.

Bổ sung cho quan điểm trên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết trước khi hạ cấp dịch, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động coi Covid-19 như bệnh truyền nhiễm nhóm B như mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, tổ chức sự kiện; không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc; nới lỏng cách ly…

“Chiếu theo luật, bệnh truyền nhiễm nhóm B không được miễn phí điều trị. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp về vấn đề này”, chuyên gia cho biết chi phí điều trị Covid-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế do tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao.

Bên cạnh đó, PGS Phu cũng cho rằng Bộ Y tế nên có kế hoạch cụ thể về tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian tới.

“Bộ Y tế nên quy định cụ thể đối tượng và lịch tiêm vaccine trong thời gian tới như đối tượng nào tiêm bắt buộc, ai nên tiêm theo khuyến cáo, ai được miễn phí, ai phải trả tiền…”, ông nói.

Dù Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, người dân vẫn nên đeo khẩu trang khi đến nơi có nguy cơ cao, nơi đông người… Ảnh: Phương Lâm. Theo PGS Phu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát bền vững, lâu dài.

Do đó, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Điều này nhằm mục đích vừa theo dõi được sát tình hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ; vừa kiểm soát được dịch trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, đồng thời bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân.

Biện pháp phòng ngừa trong giai đoạn mới

“Khi thay đổi cấp độ dịch đối với Covid-19, người dân sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho sức khỏe của mình”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.

Chuyên gia phân tích trong giai đoạn hiện nay, việc đeo khẩu trang giờ đây không còn bị bắt buộc. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến khích người dân vẫn nên thực hiện tốt 2K (Khẩu trang – Khử khuẩn) để bảo vệ sức khỏe.

Mọi người nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, có nguy cơ cao… và duy trì thói quen rửa tay, khử khuẩn để tránh các bệnh truyền nhiễm.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo biện pháp phù hợp nhất trong thời điểm này vẫn là tuân thủ 2K. Đây mới là giải pháp quan trọng nhất để phòng bệnh.

Ông nhấn mạnh nhiều bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc, hô hấp cũng có thể gây nguy hiểm. Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, nơi có nhiều bệnh truyền nhiễm. Vì thế, ý thức của người dân rất quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng tránh các bệnh này.

Hạ Băng

Bài mới
Đọc nhiều