Điều gì sẽ xảy ra nếu cả ông Trump lẫn ông Biden đều không thắng?
Hàng ngàn binh sĩ thuộc Vệ binh quốc gia các tiểu bang đã được triển khai ngay trước giờ bầu cử. Sẽ như thế nào nếu cả ông Trump lẫn ông Biden không đạt được đủ 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng?
Các kịch bản bất ổn hiện nay đều xuất phát từ giả định rằng một trong hai người sẽ giành chiến thắng, hoặc là Donald Trump hoặc là Joe Biden. Nhưng nếu không có ai giành chiến thắng, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hệ thống bầu cử Mỹ rất phức tạp nhằm đảm bảo sự độc lập tương đối giữa các nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp. Cho rằng quốc hội có thể chi phối tổng thống và người dân bình thường có thể thiếu thông tin, dẫn tới bỏ phiếu sai, các nhà lập quốc Mỹ đã nghĩ ra “cử tri đoàn”.
Hệ thống cử tri đoàn của Mỹ hiện có 538 đại cử tri, tương ứng 100 thượng nghị sĩ, 435 hạ nghị sĩ liên bang và 3 đại cử tri của đặc khu Columbia, tức thủ đô Washington D.C. Số đại cử tri của mỗi bang không đồng đều mà dựa trên quy mô dân số.
Các đại cử tri là những người có kiến thức, hiểu biết hơn “thường dân” nhưng không được là quan chức trong các cơ quan công quyền. Họ thường cam kết bỏ phiếu cho ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông nhất tại tiểu bang của mình.
Tuy nhiên, cũng có các trường hợp đại cử tri “phản bội” cam kết ban đầu và bỏ phiếu cho các ứng viên khác. Tùy luật của từng bang, các đại cử tri bất tín này có thể chịu phạt hoặc không.
Theo quy định, ứng viên nào giành được quá bán phiếu đại cử tri sẽ đắc cử tổng thống. Như vậy, trong cuộc bầu cử lần này, ông Trump hoặc ông Biden sẽ chiến thắng nếu kiếm đủ 270 phiếu.
48 tiểu bang và thủ đô Washington D.C áp dụng phương pháp “được ăn cả, ngã về không”, tức người giành được nhiều phiếu phổ thông nhất sẽ hưởng trọn số phiếu đại cử tri được phân bổ. Bang Maine và Nebraska áp dụng phương pháp chia phiếu đại cử tri dựa theo đơn vị bầu cử.
Trong tình hình hiện nay, nếu có quá nhiều đại cử tri “phản bội” khiến không ứng viên nào giành được đủ 270 phiếu, hạ viện liên bang sẽ là nơi quyết định người làm tổng thống.
Tu chính án thứ 12 trong Hiến pháp Mỹ nêu rõ: “Nếu không ai đạt số phiếu (quá bán) thì hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu tổng thống trong những người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng không quá 3 người. Tuy nhiên trong việc bầu tổng thống theo thể thức này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu”.
Như vậy, bất kể diện tích lớn hay nhỏ, dù là bang California rộng lớn với 55 phiếu đại cử tri hay bang Delaware nhỏ bé chỉ có 3 phiếu đại cử tri, cả 50 bang của nước Mỹ chỉ có duy nhất một lá phiếu mỗi bang để bầu tổng thống.
Cuộc bỏ phiếu này được xem là hợp lệ khi có sự hiện diện của ít nhất 2/3 tiểu bang. Ứng viên chiến thắng là người giành được ít nhất 2/3 tổng số phiếu.
Lịch sử Mỹ kể từ năm 1824 đến nay chưa từng ghi nhận trường hợp nào như vậy. Trong cuộc bầu cử năm 1824, có tới 4 ứng viên ra tranh cử tổng thống. Viện dẫn Tu chính án thứ 12, Hạ viện Mỹ phải vào cuộc và ông John Quincy Adams trở thành tổng thống thứ 6 của Mỹ.
Nhiều bang điều vệ binh quốc gia
Không chỉ các bang “chiến địa”, vốn chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, một số bang được xem là thành trì Dân chủ hoặc Cộng hòa cũng rục rịch điều động Vệ binh quốc gia, chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ có bất ổn.
Massachusetts, bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ, đã được đặt trong tình trạng cảnh báo bạo lực. Thống đốc bang này, một người của Đảng Cộng hòa, đã ra lệnh triển khai 1.000 binh sĩ thuộc Vệ binh quốc gia tiểu bang ngày 2-11 và nhấn mạnh “có thể điều động thêm”.
Số binh sĩ này có nhiệm vụ “bảo vệ an toàn công cộng và tất cả quyền hợp pháp của công dân trong các cuộc tập trung đông người sau bầu cử”, theo Đài Fox News.
Tại bang Oregon, thống đốc Kate Brown đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với thành phố Portland đồng thời ra lệnh cho đơn vị kiểm soát đám đông của Vệ binh quốc gia “chuẩn bị sẵn sàng”. Bạo lực và bất ổn được dự báo sẽ bùng phát tại Portland trong suốt thời gian diễn ra bầu cử.
Một trong những lo ngại lớn nhất tại Mỹ lúc này là khả năng bất ổn sau khi xác định được người chiến thắng. Nếu ông Biden thắng, theo nhiều báo đài Mỹ, bất ổn có thể bùng phát vì ông Trump đã né tránh cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Nguy cơ bạo lực, theo CNN, chủ yếu đến từ nhóm ủng hộ ông Trump, đặc biệt là những nhóm cực hữu. Hôm 1-11, Cục điều tra liên bang Mỹ đã vào cuộc sau khi một xe buýt tranh cử của chiến dịch Biden bị những người ủng hộ Trump “tạt đầu” trên xa lộ.
Người dân Mỹ cũng đang chuẩn bị sẵn tinh thần đối phó. Nhiều cửa hàng được gia cố, che chắn. Bên ngoài Nhà Trắng, các hàng rào “không thể vượt qua” đã được dựng lên. Tổng thống Trump và gia đình được cho là sẽ theo dõi kết quả bầu cử từ Nhà Trắng thay vì khách sạn Trump như đồn đoán ban đầu.
Hãng tin Reuters mới đây cảnh báo ông Trump có thể kích hoạt đạo luật chống nổi loạn 1807 để điều động quân đội giải quyết các cuộc bạo loạn, chấm dứt tình trạng bất ổn hậu bầu cử.
Thăm dò ý kiến Theo dự đoán của bạn ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2020? Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
(Theo TTO)