+
Aa
-
like
comment

Điều gì lớn hơn cả nỗi sợ nhiễm bệnh Covid-19?

Thái Thanh - 24/07/2021 16:11

Diễn biến đợt dịch thứ tư này tại TP.HCM khốc liệt hơn những lần trước, những con số liên tục tăng, giãn cách xã hội khiến nhiều người, nhất là lao động ngheo rơi vào cuộc sống khó khăn. TP.HCM những ngày chống dịch, người dân thiếu nhiều thứ, thiếu rau xanh, thiếu tiền, thiếu sự bình an nhưng không thiếu hơi ấm tình thương và sự tử tế vốn là đặc sản của người dân sinh sống ở đất Sài thành này.

Anh Grab giao hàng đến khu cách ly và chờ đợi dù cả giờ đồng hồ cũng không bỏ cuộc, vì biết người dân mình đang rất cần

“Thành trì” cuối cùng chiến đấu với Covid-19 ở TP.HCM – Bệnh viện hồi sức cấp cứu luôn là nơi khốc liệt nhất. Đó là nơi mà cuộc chiến giành giật sự sống cứu các bệnh nhân Covid-19 chưa bao giờ ngừng nghỉ. Đó là nơi mà đội ngũ y bác sỹ dù thức trắng đêm, mệt mỏi nhưng chỉ cần giành giật được mạng sống cho người bệnh là lại có động lực tiếp tục chiến đấu. Và cũng là nơi nước mắt tuông trào khi bất lực trước nhiều trường hợp bệnh nền quá nặng, tuổi già sức yếu cùng với việc mắc Covid-19, kíp trực không thể đưa họ vượt qua cửa tử.

Trong khó khăn của đại dịch tình đoàn kết được thể hiện rõ nét, từ đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội đến cả những tình nguyện viên… không ai ngại khó, ngại khổ, đều một lòng hướng về tâm dịch.

Đó là lúc mọi người thấy y bác sĩ quá vất vả, kêu gọi nhau nấu nước mát, nấu những suất cơm ngon thật ngon để tặng nơi tuyến đầu. Là hình ảnh tình nguyện viên, đặc biệt là tu sĩ các tôn giáo mang theo tình thương, xung phong dấn thân đến bệnh viện điều trị Covid-19 để chăm sóc các F0, dù biết rằng nhiều hiểm nguy và rủi ro. Nếu có điều gì lớn hơn cả nỗi sợ nhiễm bệnh Covid-19 trong hoàn cảnh này, thì có lẽ chỉ có tình thương và tình đồng bào, dân tộc – hành động tràn ngập yêu thương trong thời khắc này đem đến cho bệnh nhân biết bao sự ấm lòng.

Là hình ảnh của những chuyến xe 0 đồng nối nhau, chở rau từ khắp nơi chở về thành phố, chia sẻ với khu cách ly, khu phong tỏa. Hay hình ảnh các shipper giao hàng tại các bệnh viện dã chiến, vai vác hàng hóa, kiên nhẫn đứng dưới mưa xếp hàng hàng giờ đồng hồ để đến lượt giao – gửi hàng đến người nhận trong khu cách ly, khiến bao người đồng cảm.

Đại dịch thực sự là một “cuộc chiến”. Chúng ta ai cũng là anh hùng trong cuộc chiến chống Covid này

Trong cái khó của cuộc sống và nhiều rủi ro, nhưng tình người đã kết nối người với người gần nhau hơn bao giờ hết. Những chia sẻ ấm áp: “Người ta ở trong đó chắc cũng cần đồ của mình nên mình cũng cố gắng thông cảm, làm thêm được gì giúp mọi người thì mình làm. Mong là xong sớm để còn kiếm thêm” – trong vội vàng của cuộc sống, gánh nặng mưu sinh ghì lên đôi vai, trong lúc dịch cao điểm, người lao động sẵn sàng chia nhau, nhường nhau và nghĩ đến nhau mà sống. Những điều này càng cho thấy rõ hơn, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng không thể mai một đi, làm ít đi lòng lương thiện và tình người của người Việt Nam dành cho nhau.

Vài ngày trước đây, hình ảnh bốn mẹ con người Nghệ An đạp xe dọc QL1A, trên 2 chiếc xe đạp từ H.Trảng Bom (Đồng Nai) để về Nghệ An, họ từ chối nhận 10 triệu đồng của mạnh thường quân vì đã đủ, lại mong muốn những người đang kẹt lại cũng được giúp, khiến bao người cảm kích. Trong cái nghèo, người đang trong hoàn cảnh khó vẫn nghĩ đến cho người khác – đây là thương hiệu của người từng đến sinh sống, mưu sinh ở đất Sài thành này và hình ảnh này không khó tìm thấy.

Có lẽ vì từng trải qua trong cái khó, sống những ngày thấp thỏm lo âu, hiểu được người cùng hoàn cảnh như mình, cảm xúc về nhà đã là hạnh phúc lớn nhất không gì quan trọng hơn, cho nên bốn mẹ con từ chối 10 triệu, từ chối và nhường lại cho người còn đang “mắc kẹt”. 10 triệu đồng với bốn mẹ con chị trong hoàn cảnh là quý giá vô cùng, có khi một năm sau chị cũng chưa tích góp được khoản tiền đó. Thế mới càng thấy được trên cuộc đời này, nếu có thứ gì đó quý hơn, nặng hơn tiền, có lẽ là tình người và sự tử tế.

Sẻ chia ấm lòng, tử tế của người TP.HCM trong dịch bệnh
Sài Gòn đang “bị thương” nhưng người đến Sài Gòn mưu sinh luôn tử tế, luốn muốn dành tất cả sự tốt đẹp cho vùng đất này.

Ở nơi tôi đang sống, sáng sớm mọi người vừa thức dậy thì phát hiện cả xóm bị giăng dây vì có vài ca nhiễm Covid-19. Sự hoảng loạn diễn ra, cả xóm dáo dát như “ong vỡ tổ” nhưng sau đó, mọi người đồng lòng chống dịch, không oán trách hay đỗ lỗi gì cho ai, tất cả đều cố gắng, động viên nhau cùng vượt qua dịch bệnh. Nhiều người giận hờn nhau, không nói chuyện với nhau nhưng khi xóm bị phong tỏa, những giận hờn ấy tự nhiên bị “đánh bay”, tình người xích lại vì dịch bệnh cũng là cơ hội cho mọi người nhận ra cuộc sống vô thường, giận hờn gì khi mà sống nay chết mai và chết không mang theo được gì.

Cứ như vậy, người thành phố dìu nhau đi qua lúc khó khăn nhất. “Sẽ giãn cách mà không xa cách”, những ngày này, câu nói ấy liên tục được mọi người dân thành phố nhắc lại. Và nhiều người vẫn tin rằng, với cách mà người dân thành phố đã quan tâm, nâng đỡ, cưu mang nhau suốt bao nhiêu năm qua, một lần nữa, chúng ta sẽ cùng vượt qua lần khó khăn lớn này, như lời Bí thư Nguyễn Văn Nên: “Cùng nhau nhất định chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19”. Niềm tin đó có cơ sở khi nơi tuyến đầu đội ngũ y bác sĩ nỗ lực đêm ngày, những buổi họp khẩn thực hiện thâu đêm, những bếp ăn từ thiện vẫn cố gắng ngày ngày đỏ lửa, những tấm lòng vẫn tìm cách chia sẻ, trao đi.

Thái Thanh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều