Điều gì khiến TQ “phát hoảng” khi máy bay trinh sát Mỹ xâm nhập vùng tập trận?
Trung Quốc không có năng lực đánh chặn máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Mỹ, trong khi mẫu máy bay này được trang bị hàng loạt cảm biến và camera hiện đại để do thám hoạt động của đối phương.
Theo phân tích của trang The Drive, Trung Quốc gần đây đã đồng loạt tập trận ở cả 4 vùng biển bao gồm Biển Đông, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Bột Hải.
Dựa trên thông báo của Trung Quốc về cuộc tập trận của Chiến khu miền Bắc bị máy bay Mỹ gây gián đoạn, tờ The Drive cho rằng vụ việc nhiều khả năng xảy ra ở biển Hoàng Hải.
Chiếc U-2 của không quân Mỹ có thể đã cất cánh từ căn cứ quân sự Osan ở Hàn Quốc, bay về hướng tây ra biển Hoàng Hải.
Không quân Mỹ cho đến nay chưa lên tiếng về những cáo buộc của Trung Quốc. Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối với phía Mỹ về việc máy bay trinh sát U-2 “giây gián đoạn cuộc tập trận thông thường” và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc.
Trung Quốc coi đây là hành động leo thang căng thẳng của Mỹ và yêu cầu Mỹ có những hành động củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực.
Theo The Drive, vị trí nơi Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự trên biển Hoàng Hải là thuộc vùng biển quốc tế.
Chiếc U-2 có thể đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không hoặc khu vực Trung Quốc tuyên bố đóng không phận để phục vụ tập trận bắn đạn thật. Điều đó có nghĩa là máy bay trinh sát Mỹ không xâm phạm bất cứ ranh giới chủ quyền nào.
Trung Quốc có thể đã phát hiện chiếc U-2 áp sát từ xa, theo The Drive. Đây là mẫu máy bay trinh sát tầm cao có năng lực tác chiến điện tử hàng đầu.
Chỉ cần bay qua hoặc bay gần vùng trời nơi Trung Quốc tập trận, chiếc U-2 có thể thu thập tín hiệu radar, dữ liệu quân sự của hải quân Trung Quốc và các hình thức liên lạc vô tuyến khác.
Phi công Mỹ cũng có thể nghe lén thông tin liên lạc của các tàu chiến Trung Quốc, theo dõi cuộc tập trận từ trên cao. Chỉ cần hải quân Trung Quốc phản ứng với chiếc U-2, radar hay thiết bị cảm biến nào theo dõi máy bay Mỹ cũng là thông tin tình báo quý giá, theo The Drive.
Nói cách khác, máy bay sẽ vừa có thể theo dõi cuộc tập trận, vừa nắm được cách hệ thống phòng không, radar Trung Quốc hoạt động.
Khác với Nga, Trung Quốc không có bất cứ một loại tiêm kích nào có thể ngăn chặn được chiếc U-2. Máy bay trinh sát Mỹ được thiết kế để hoạt động ở tầm cao tới 27.000m, độ cao mà hiếm có máy bay nào vươn đến được.
Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không thể dùng tên lửa phòng không bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ, nhưng phải kiên trì đến khi máy bay Mỹ sơ hở. Giống như Liên Xô từng bắn rơi chiếc U-2 năm 1960.
Theo The Drive, phía Mỹ có thể đang quan tâm đến cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Những loại tên lửa tầm xa như vậy có thể nhắm đến nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Để tên lửa đạn đạo tấn công chính xác mục tiêu di động trên biển, hải quân Trung Quốc sẽ phải liên tục truyền tín hiệu về cho lực lượng tên lửa ở đất liền.
Sự việc trên cũng cho thấy Mỹ đang gia tăng hoạt động do thám, trinh sát hải quân Trung Quốc, là dấu hiệu của quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng.
Cuối cùng, sự xuất hiện của máy bay trinh sát tầm cao U-2 cho thấy đây là số ít những mẫu máy bay hơn 50 năm tuổi còn được không quân Mỹ tin dùng, bên cạnh oanh tạc cơ B-52 và máy bay tiếp nhiên liệu KC-135, theo The Drive.
Minh Nhật/TN