Điều gì khiến TP.HCM có thể “sống dậy” sau 5 tháng gồng mình chống dịch?
Mới đây, TP.HCM đã nới lỏng các biện pháp chống dịch, tập trung mọi nguồn lực để tái sản xuất nhằm đưa mọi người về cuộc sống bình thường mới. Sau 5 tháng gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, TP.HCM có thể dựa vào yếu tố nào để “sống dậy”?
Báo cáo 9 tháng đầu năm của TP.HCM cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 363.300 tỷ đồng, giảm 17,4% so cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 220.300 tỷ đồng, giảm hơn 29% so cùng kỳ. Những con số cho thấy, thành phố đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, vẫn có những chỉ số lạc quan, tích cực, và còn cả dư lực, động lực trong thời gian còn lại của năm 2021. Đó là, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 279.298 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 49.520 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán, giảm 2,9% so với cùng kỳ.
9 tháng của năm 2021, tiến độ giải ngân vốn ngân sách của thành phố ước thực hiện 11.828,9 tỷ đồng, so với kế hoạch đạt 39,1%. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp nói riêng và bối cảnh chung – khi nhiều địa phương giải ngân nguồn vốn này còn chậm. Đây cũng sẽ là động lực tăng trưởng của thành phố trong 3 tháng cuối năm 2021, khi chuyển từ chiến lược “Zero Covid-19” sang sống chung an toàn với dịch. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải ngân 240 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chỉ trong 3 tháng cuối năm với kỳ vọng lấy đây là cú hích để nền kinh tế phục hồi.
Bên cạnh kỳ vọng vào đầu tư công, thì dòng vốn FDI đăng ký vào thành phố cũng có những điểm sáng tích cực. Theo đó, có 118 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng thêm 648,3 triệu USD. Mặc dù giảm 27,6% về số giấy phép, nhưng vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và TP.HCM vẫn đang được duy trì và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021.
Không những vậy, trong 09 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 3,4% và nhập khẩu tăng 21,3%. Dự báo chỉ số này sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng cuối năm 2021. Do thời điểm quý IV năm 2021 (đặc biệt 02 tháng 10,11) là thời điểm để doanh nghiệp kịp đẩy mạnh gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng mức tiêu thụ bùng nổ vào dịp lễ tết cuối năm, giảm thiểu thiệt hại do ngừng hoạt động kéo dài trong quý 3/2021.
Như vậy, để tận dụng động lực tích cực nêu trên, bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế được quay trở lại. Trong đó, về phòng, chống dịch bệnh, cần tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế với một số biện pháp cụ thể, như: Tiêm vaccine nhanh nhất có thể, tăng cường năng lực hệ thống y tế trong phòng, chống dịch, nhất là hệ thống y tế cấp cơ sở. Đồng thời, ban hành quy định mới về các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh để áp dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đời sống xã hội và quản lý nhà nước. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn phải cụ thể, dễ tuân thủ, dễ áp dụng thống nhất và được giám sát bởi công nghệ và các công cụ thích hợp theo nguyên tắc, không đặt thêm quy định xin – cho, không tạo thêm thủ tục hành chính.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, cần miễn giảm các loại phí, như: Phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, nên miễn các khoản thuế đang cho hoãn nộp và có chính sách hỗ trợ chi phí tuân thủ phòng, chống dịch cho doanh nghiệp.
Tất nhiên sẽ còn cần nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để giúp thành phố tái khởi động lại sản xuất kinh tế, có thể phục hồi sau một pha chấn thương nặng của cuộc chiến với thứ virus đánh vào hơi thở. Tiềm lực vẫn còn chỉ là cần cách khơi gợi lại để phát triển tốt hơn mà thôi.
Diệu Hương