+
Aa
-
like
comment

“Đại kế nghìn năm” của ông Tập ì ạch, quan chức Bắc Kinh vào cuộc

09/10/2019 07:27

Đây là một dự án quốc gia vô cùng quan trọng của Trung Quốc, thậm chí Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải ra chỉ đạo từ xa trong chuyến thăm Phần Lan.

Điều gì khiến "đại kế nghìn năm" của ông Tập phát triển ì ạch, buộc các quan chức Bắc Kinh phải vào cuộc?
Chủ tịch Tập Cận Bình khảo sát Hùng An hồi đầu năm 2019. Ảnh: Tân Hoa Xã

Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh bằng một cuộc duyệt binh rầm rộ – một động thái nhằm nâng cao sự tự tin của người dân Trung Quốc – nhưng làm thế nào để đối phó với áp lực kinh tế vẫn là vấn đề quốc gia quan trọng nhất của đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Nam Hải.

Vùng châu thổ sông Châu Giang, sông Trường Giang và vùng kinh tế Hoàn Bột Hải là ba khu vực phát triển kinh tế mạnh nhất của Trung Quốc. Vành đai kinh tế sông Trường Giang với đầu tàu Thượng Hải được Đề cương quy hoạch phát triển nhất thể hóa vùng châu thổ sông Trường Giang – phát hành hồi đầu tháng 7/2019- coi là “mô hình phát triển chất lượng cao cho kinh tế toàn Trung Quốc”, vùng châu thổ sông Châu Giang với trọng tâm là Thâm Quyến được các văn kiện chính thức ban hành vào tháng 8 định vị là “khu thí điểm đi đầu về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Tuy nhiên, quận mới mới Hùng An – nằm trong vùng lõi của vành đai kinh tế Hoàn Bột Hải, được văn bản chính thức của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 4/2017 coi là quận mới mang tầm quan trọng quốc gia, kế sau đặc khu kinh tế Thâm Quyến và quận mới Phố Đông Thượng Hải lại vẫn “bình lặng”, đến nay vẫn chưa xuất hiện “kỳ tích Hùng An” nào để đáp ứng lại sự mong đợi của dư luận.

Do đó, các chuyến thăm thường xuyên trong suốt tháng 9 vừa qua của các quan chức trung ương và sự “thay máu” đội ngũ quan chức địa phương càng khiến dư luận chú ý.

Điều gì khiến đại kế nghìn năm của ông Tập phát triển ì ạch, buộc các quan chức Bắc Kinh phải vào cuộc? - Ảnh 1.
Quận mới Hùng An được truyền thông TQ gọi là Đại kế nghìn năm, là sách lược quan trọng của nước này. Ảnh: Tân Hoa Xã

Có một Hùng An không còn tĩnh lặng gần đây

Trong suốt tháng 9/2019, nhiều quan chức các cấp, trung ương và các bộ như Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Arken Imirbaki (người Duy Ngô Nhĩ), Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa, Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế đã lần lượt tới khảo sát Hùng An.

Một chi tiết đáng chú ý là vào ngày 6/9, ba ngày sau chuyến thăm của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan – phụ trách lĩnh vực giáo dục và chăm sóc y tế, trang thông tin chính thức của Tập đoàn Hùng An đã công bố Thư mời đấu thầu giai đoạn 1 của quy hoạch và thiết kế khuôn viên chính Đại học Hùng An.

Việc thư mời đấu thầu được công bố cho thấy trong bối cảnh nhiều đánh giá cho rằng tiến độ xây dựng Hùng An chậm chạp thì chuyến đi của bà Tô Xuân Lan đến Hùng An rõ ràng là có mục đích “đôn đốc”. Thông tin 12 quan chức địa phương được cho đã luân chuyển, càng chứng minh cho sự thay đổi của Hùng An.

Từ tháng 2/2015, hội nghị lần thứ 9 của Tiểu tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương Trung Quốc đã thảo luận tới việc xây dựng khu vực mới bên ngoài thành phố Bắc Kinh. Đến tháng 4/2017, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố thành lập quận mới Hùng An. Chủ tịch Tập Cận Bình – người thúc đẩy dự án quốc gia này – nhiều lần yêu cầu coi quận mới Hùng An là đại kế nghìn năm hay việc lớn quốc gia. Ông cũng yêu cầu về bản kế hoạch chi tiết đầy đủ, quy hoạch sử dụng hiệu quả mỗi tấc đất.

Tháng 2/2017, khi kế hoạch thành lập khu mới Hùng An vẫn chưa được chính thức công bố, ông Tập đã tới Hà Bắc khảo sát, chỉ ra “quận mới Hùng An sẽ lưu lại cho thế hệ tương lai” nên các cấp cần hết sức nỗ lực để thành công.

Ngày 2/1/2019, khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể quận mới Hùng An Hà Bắc (2018-2035), trung ương ĐCSTQ, Quốc vụ viện Trung Quốc nhấn mạnh, “mỗi tấc đất phải được quy hoạch rõ ràng, sau đó mới bắt đầu khởi công xây dựng”.

Từ ngày 16-18/1/2019, Chủ tịch Trung Quốc đã dành thời gian ba ngày để đi khảo sát ba tỉnh Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và chủ trì một buổi tọa đàm về phát triển khu vực này trong ngày cuối cùng. Trong cuộc họp, ông lần nữa nhấn mạnh, “cần nhận thức và làm tốt công tác đồng phát triển của Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc từ tầm nhìn toàn cục và suy xét lâu dài”.

Điều gì khiến đại kế nghìn năm của ông Tập phát triển ì ạch, buộc các quan chức Bắc Kinh phải vào cuộc? - Ảnh 2.
Chủ tịch Tập Cận Bình khảo sát Hùng An hồi đầu năm 2019. Ảnh: Tân Hoa Xã

Kế hoạch chi tiết vẽ dễ nhưng khó thành

Được biết, để đáp ứng “tầm nhìn thế giới và các tiêu chuẩn quốc tế” theo yêu cầu của Trung Nam Hải, tỉnh Hà Bắc đã đề xuất Đề cương quy hoạch của quận mới Hùng An Hà Bắc vào tháng 4/2018 và loạt văn bản liên quan khác về quy hoạch kiến trúc, môi trường, không gian ngầm. Đây có thể được coi là một quy hoạch nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa quy hoạch kế hoạch chi tiết của Trung Nam Hải và mức độ thực hiện tại địa phương, khiến dự án này đến nay vẫn chỉ giới hạn ở giai đoạn quyết định chiến lược.

Do đó, dù Bắc Kinh đã đưa ra định hướng chung về lựa chọn địa điểm, quy hoạch dự án nhưng vẫn cần các các quan chức địa phương đệ trình các phương án thực hiện cụ thể.

Trong quá trình này, các quan chức chấp hành địa phương có thể lĩnh hội được tầm nhìn trong bản đề cương đại kế nghìn năm của Trung Nam Hải và liệu họ có thể thực hiện được bản thiết kế Hùng An được thiết kế bởi các nhà lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh hay không là một thử thách lớn.

Trong bài viết hồi tháng 2/2018, Tân Hoa Xã đã tiết lộ Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã thường xuyên đưa ra những sửa đổi cải thiện khi nghe báo quy hoạch quận mới Hùng An của các quan chức địa phương. Điều này cho thấy, Bắc Kinh thực sự rất coi trọng dự án này, đồng thời chi ra khoảng cách nhận thức giữa quan chức địa phương và đội ngũ quy hoạch chiến lược.

Khi quận mới Hùng An ra đời, Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Hứa Cẩn – quan chức có kinh nghiệm dày dặn về đặc khu Thâm Quyến – làm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc kiêm Tổ phó Tiểu tổ lãnh đạo công tác xây dựng quy hoạch quận mới Hùng An.

Theo giới phân tích, sự sắp xếp trên tất nhiên hy vọng rằng những quan chức này sẽ đưa kinh nghiệm trong quá khứ áp dụng vào việc xây dựng quận mới Hùng An. Tuy nhiên, từ thiết kế thượng tầng cho thấy, sứ mệnh của quận mới Hùng An hoàn toàn khác với các đặc khu Thâm Quyến và khu vực thương mại tự do Thượng Hải.

Mô hình phát triển kinh tế đã qua của hai khu vực này không có mối quan hệ mô phỏng với quận mới Hùng An hiện nay cho nên kinh nghiệm về phát triển kinh tế trước đó của một số quan chức chưa thực sự hợp lý khi áp dụng cho quận mới Hùng An và rất khó dùng tiêu chuẩn của Thượng Hải và Thâm Quyến để đánh giá sự thành công hay thất bại của quận mới Hùng An.

Quận mới Hùng An được xây dựng trên cơ sở hợp thành của ba huyện Dung Thành, huyện Hùng và huyện An Tân (Hà Bắc) nhằm xây dựng một thành phố chuẩn quốc gia.

Mặc dù để thiết kế quy hoạch Hùng An, Bắc Kinh đã điều động nguồn lực ưu thế nhất gồm các học giả chuyên gia về quy thành thị, các trường đại học đến Hùng An thảo luận hay các quan chức có kinh nghiệm về quy hoạch của Thượng Hải đến Hùng An nhậm chức nhưng Hùng An vẫn có vấn đề tự thân.

Đó là thực hiện di dời hơn 1 triệu nhân khẩu của 637 thôn, 33 thị trấn của ba huyện thuộc Hùng An, đồng thời phải quy hoạch 70% không gian xanh, 30% diện tích đất xây dựng còn lại cần phải tiến hành cải tạo. Đây là việc đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị.

Ngoài ra, với tư cách là quận mới do ban lãnh đạo cao nhất Trung Nam Hải lựa chọn, sự phát triển của Hùng An chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi của dòng vốn trong ngành bất động sản. Trước đó, ngay khi Bắc Kinh đưa thông báo chính thức về việc thành lập quận mới Hùng An, một số lượng lớn các nhà đầu tư bất động sản đã tới Hùng An. Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó đang trong chuyến thăm Phần Lan đã chỉ đạo từ xa rằng, “cần phải thắt chặt nút thắt đầu tiên trong xây dựng quy hoạch quận mới”.

Thu Thủy

Bài mới
Đọc nhiều