+
Aa
-
like
comment

Điều đáng tiếc từ nhận định liên quan đến Phạm Đoan Trang của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Bảo An - 22/03/2022 16:46

Ngày 4/5/1970, sinh viên Đại học Kent State, bang Ohio, Hoa Kỳ đã tiến hành biểu tình để phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Và sau đó, 4 sinh viên đã bị Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Ohio nổ súng dẫn đến thương vong. Năm 1971, cựu sĩ quan Lầu Năm góc Daniel Ellsberg đã gây chấn động báo giới Hoa Kỳ khi tiết lộ 7.000 trang tài liệu tối mật về chiến tranh tại Việt Nam. Kết quả, ông đã bị kết án 115 năm tù cho 12 tội danh bị cáo buộc. Rõ ràng hai vụ việc trên đều thể hiện tinh thần đấu tranh vì hoà bình. Vậy nhưng tại sao họ lại không được tôn vinh, ca ngợi?

Dẫn lại hai vụ việc có liên quan đến nước Mỹ để thấy ngay trong chính nội tại quốc gia này cũng tồn tại nhiều điều mâu thuẫn, nghịch lý. Vậy nhưng đáng buồn thay, núp dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền”, một số cơ quan ngoại giao và chính khách của Hoa Kỳ lại đưa ra những thông tin, luận điệu, nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, một chiều về tình hình tự do, dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Thậm chí, một số người còn công khai ủng hộ, cổ vũ cho các đối tượng “dân chủ” thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Việt Nam.

Cụ thể, Tân Đại sứ Mỹ Marc E. Knapper ở Việt Nam đăng lên mạng xã hội video có nội dung đánh giá sai lệch về Phạm Đoan Trang – một người bị kết án do phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam. Theo nhận định của ông Marc E. Knapper, Phạm Đoan Trang được ca ngợi bằng những mỹ từ như “tù nhân lương tâm đáng trân trọng”, “người phụ nữ vĩ đại của Việt Nam”, “truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ noi gương và học hỏi theo”. Đáng tiếc hơn, vị Đại sứ này đưa ra “lời khuyên” cho rằng “phụ nữ Việt Nam cần học tập, làm việc theo tấm gương bà Trang để bình đẳng giới”?! Không rõ mục đích của ông là gì. Hay chăng, với ông Marc E. Knapper, Việt Nam chỉ có những tấm gương “người phụ nữ Phạm Đoan Trang” để học hỏi?

Những năm vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Bỏ qua những bất đồng trong lịch sử và sự khác biệt về chế độ chính trị, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện và đang hướng tới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược. Vẫn biết giữa hai quốc gia vẫn tồn tại những mặt mâu thuẫn, khác biệt. Tuy nhiên, khi đánh giá về bất cứ vấn đề gì tại Việt Nam, thiết nghĩ những chính khách, nhà ngoại giao Hoa Kỳ cần có sự khách quan, dựa trên cơ sở tình hình thực tiễn. Rõ ràng, hành động của ông Marc E. Knapper là hết sức đáng tiếc.

Không ít lần Việt Nam khẳng định không tồn tại cái gọi là “tù nhân lương tâm”. Những người bị kết án là những người có hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nhưng không biết vô tình hay cố ý, hễ đối tượng nào có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam và bị kết án thì một số cá nhân, tổ chức nước ngoài lại coi họ là “tù nhân lương tâm”. Từ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Lê Thị Công Nhân cho đến Phạm Đoan Trang, tất cả đều được biến tướng trở thành những “người phụ nữ can đảm”. Xin hỏi họ đã làm gì, cống hiến gì cho sự phát triển của đất nước? Hay chăng, cái họ thực hiện chỉ là hành vi kích động, chống phá chế độ, gây rối an ninh trật tự của đất nước? Liệu có thứ “tự do”, “dân chủ”, “bình đẳng” nào lại cao hơn độc lập, chủ quyền, hoà bình, ổn định của toàn dân tộc hay không?

Mỗi quốc gia có một lịch sử khác nhau, văn hoá khác nhau, truyền thống khác nhau và hệ thống pháp luật khác nhau. Trong mối quan hệ quốc tế, các quốc gia là hoàn toàn bình đẳng và có quyền tự do lựa chọn, tự do quyết định các vấn đề của chính mình. Mọi hành động can thiệp, hướng lái, tác động vào công việc nội bộ của quốc gia khác đều không được chấp nhận. Vì vậy, với tư cách là Đại sứ tại Việt Nam, thiết nghĩ ông Marc E. Knapper cần có những phát ngôn chuẩn mực, tôn trọng lợi ích của Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân Việt Nam.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều