+
Aa
-
like
comment

Điều đặc biệt về xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nơi người yêu mến đều có thể chiêm bái

Thu Quách - 28/01/2022 11:57

Đúng 9h sáng ngày mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được di quan đến Công viên Vĩnh Hằng – Vườn Địa Đàng ((P.Thủy Bằng, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), để thực hiện nghi lễ trà tỳ, sau bảy ngày môn đồ đệ tử, Phật tử thọ tâm tang.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Có thể nói, thời khắc 9h sáng ngày 29 tháng 1 năm 2022 là sự kiện quan trọng của người yêu mến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, là khoảnh khắc tiễn biệt người về cõi niết bàn.

Vào trưa 28-1, tại thiền đường Trăng Rằm tổ đình Từ Hiếu, lễ Sơ dạ – Cung tiến Giác linh Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được diễn ra. Đây là nghi thức đặc trưng theo truyền thống Phật giáo cố đô Huế, trước ngày cung thỉnh kim quan nhập bảo tháp của chư tôn đức tân viên tịch sẽ cử hành khóa lễ Sơ dạ.

Đài hỏa táng riêng biệt, thực hiện thủ công cũng đã được chuẩn bị trang nghiêm để chuẩn bị cho thời khắc đặc biệt. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch là tổn thất rất lớn của Làng Mai, Phật giáo nước nhà cũng như Phật giáo thế giới.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN tưởng niệm Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã hồi tưởng: “Ngài đã thổi lên một làn gió mới – gọi là ‘làm mới đạo Phật’. Làm mới đạo Phật có nghĩa là làm sao để đạo Phật của chúng ta thích hợp với sinh hoạt của xã hội đi lên, như thế Phật giáo chúng ta mới có thể tồn tại, phát triển. Cho nên tinh thần đó, đa số anh em học Tăng đều chấp nhận và dấn thân”.

Đài hỏa táng Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là đài hỏa táng đặc biệt, được thực hiện bằng đất sét với kỹ thuật truyền thống tương tự với việc làm các lò đúc đồng ở Thừa Thiên – Huế.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng nhắc lại sự dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chí hướng hoằng pháp của mình với việc mở Trường Thanh niên Phụng sự xã hội: “Chúng ta có làm gì cho xã hội thì xã hội mới biết đến đạo Phật, quý trọng đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của giác ngộ”. Theo đó, lúc ở trong nước cũng như hải ngoại, Thiền sư đã có những pháp môn thích hợp với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và trong các nền văn hóa khác nhau, mang hơi thở của thời đại.

“Hôm nay ngài đã trở về quê mẹ và viên tịch ở tổ đình Từ Hiếu, là nơi ngài đã xuất thân tu học, trở thành một tu sĩ của Phật giáo. Đối với tổ đình Ấn Quang, đối với Tăng Ni miền Nam, trong lòng luôn nghĩ tới Thiền sư là người có trí tuệ, có tầm nhìn xa và thích nghi được với mọi tình huống. Cho nên Thầy đã để lại cho hậu thế một bài học: Muốn sống, tồn tại thì phải thích nghi. Đó là làm mới đạo Phật của Thầy. Tôi mong tất cả huynh đệ thuộc Làng Mai học hạnh lắng nghe của Hoà thượng, cái thấy của Hòa thượng là luôn luôn đổi mới, thích nghi, tồn tại và phát triển”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói trước di ảnh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kim quang của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tiễn Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến nơi hỏa táng, Phật tử không chỉ là cầu nguyện cho vị Thầy thành kính của mình mà hơn hết điều mọi người đều quan tâm, có lẽ là xá lợi của Thiền sư. Theo di huấn của Thiền sư Nhất Hạnh, sau lễ Trà Tỳ (hỏa táng) diễn ra, xá lợi của Thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Phật tử khắp thế giới đều mong được chiêm bái và đảnh lễ xá lợi của vị Thầy mình đáng kính.

Thu Quách

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều