+
Aa
-
like
comment

Điều đặc biệt của điếu văn Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ

02/09/2019 22:30

Điếu văn chứa đựng tình cảm, tinh hoa trí tuệ của các lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng… và ông Đống Ngạc dành cho Người.Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời sau một cơn đau tim đột ngột. Trong một buổi họp bàn tổ chức tang lễ Người, Bộ Chính trị đã giao cho một số cán bộ chuẩn bị dự thảo điếu văn.

Theo tinh thần cuộc họp, lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức với nghi lễ trọng thể nhất, tiến hành quốc tang trong 7 ngày (4 -10/9/1969).

Lễ viếng bắt đầu từ sáng ngày 6/9 tại hội trường Ba Đình, lễ truy điệu được tổ chức trọng thể vào ngày 9/9 tại quảng trường Ba Đình nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.

Các đồng chí cố gắng viết xong trong đêm nay

Viết điếu văn là việc quan trọng nhất trong các khâu chuẩn bị tang lễ. Các cán bộ chịu trách nhiệm soạn thảo đã gấp rút gửi văn bản cho từng ủy viên Bộ Chính trị để xin ý kiến vào ngày 5/9/1969 và sáng 6/9/1969.

Chiều tối 6/9/1969, Bí thư thứ nhất BCH TƯ (một cách gọi khác chức danh Tổng bí thư) Lê Duẩn chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị tiếp tục bàn về tổ chức lễ truy điệu và thông qua bản điếu văn dự thảo.

Điều đặc biệt của điếu văn Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Bác Hồ
Tổng bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969. Ảnh tư liệu

Hơn 21h, cuộc họp tạm dừng, bản dự thảo điếu văn chưa thông qua được, Bộ Chính trị giao cho Tổng bí thư Lê Duẩn chuẩn bị một văn bản khác.

Trở về nhà riêng, Tổng bí thư Lê Duẩn gặp tổ thư ký, trao cho anh em bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bản dự thảo điếu văn và nói: “Bộ Chính trị chưa thông qua hai bản dự thảo này, các đồng chí đọc thật kỹ Di chúc và dự thảo điếu văn rồi giúp tôi soạn thảo bản  khác, lễ truy điệu ấn định vào ngày 9/9, các đồng chí cố gắng viết xong trong đêm nay để ngày mai Bộ Chính trị họp tiếp, thời gian còn lại không nhiều”.

Ông Đống Ngạc (thư ký của Tổng bí thư Lê Duẩn) và ông Đậu Ngọc Xuân (chuyên viên nghiên cứu của Văn phòng Tổng bí thư) được trao nhiệm vụ viết điếu văn. Tổng bí thư Lê Duẩn nói rõ những định hướng cơ bản, những vấn đề lớn mà điếu văn cần tập trung làm nổi bật.

Về hình thức, cách viết, Tổng bí thư dặn: Không rập theo lối viết văn điếu, lâm ly, bi ai thông thường, tránh câu chữ sáo mòn, lời văn cần giản dị, trong sáng mà trang trọng, hàm súc, lắng đọng, có sức truyền cảm, dễ đi vào lòng người…

Theo những định hướng, yêu cầu đề ra, trước khi viết điếu văn, hai ông đọc kỹ lại bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bản dự thảo điếu văn và điếu văn của Ăng-ghen đọc trước phần mộ Các Mác, điếu văn Stalin đọc vĩnh biệt Lênin, điếu văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong lễ vĩnh biệt cụ Hồ Tùng Mậu một chiến sĩ cách mạng lão thành.

Hai giờ sau khi nhận nhiệm vụ trôi qua (từ 2224h) hai ông vẫn chưa viết được dòng nào. Đến hơn 1h sáng, ông Đống Ngạc mới đặt bút viết dòng đầu tiên. Còn ông Đậu Ngọc Xuân đột nhiên bị cảm mạo không thể gắng sức được.

Ông Đống Ngạc kể lại: “Thu xếp cho ông Xuân tĩnh dưỡng xong, quay lại bàn viết, ông xác định phải vượt lên chính mình, đúng như lời Bác “mỗi người làm việc bằng hai” thay bạn và lời của đồng chí Tổng bí thư: biến đau thương thành hành động cụ thể. Ông cầm bút viết câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa…”.

Sức nghĩ sáng ra. Ngòi bút trong tay như có trớn, ông Đống Ngạc viết một mạch về nỗi đau mất Bác, về Bác: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, vị anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta…”.

Cứ đà đó, tự tin, phấn khởi ông viết tiếp theo dàn bài. Đến phần ba nói về những quan điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của những người còn sống hôm nay và mai sau, ông dừng tay suy ngẫm sâu hơn nữa, đối chiếu với những dòng ghi vội trong sổ tay lời dặn của Tổng bí thư Lê Duẩn và tìm cách diễn đạt, thể hiện sao cho thật ngắn gọn, súc tích, gây được ấn tượng mạnh mẽ.

Ông đọc lại bài điếu truy điệu V.Lênin có dạng thức lời thề, liền bắt lấy ý tưởng đó, hiện thực hoá bằng cách lặp lại những điệp khúc để khắc sâu vào lòng người: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề… đáp lại là hàng vạn cánh tay giơ cao: Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.

5 lời thề danh dự của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 5 phần nội dung cốt lõi của điếu văn.

Phần cuối nêu bật 2 di sản quý báu mà Bác Hồ để lại trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại vinh quang nhất của lịch sử dân tộc, đó là: Độc lập Tự do và Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Ông Đống Ngạc viết liền một mạch đến khoảng 5h sáng ngày 7/9/1969 mới tạm xong bài viết. Khi ông vừa đặt dấu chấm than kết thúc dòng cuối thì Tổng bí thư Lê Duẩn đề nghị được xem.

Từng lời, từng chữ làm rung động trái tim

Theo Tổng bí thư Lê Duẩn, cứ để bài viết như thế đem cho đánh máy, gửi các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem lại và góp ý trong buổi sáng họp hôm đó sửa luôn thể.

8h sáng 7/9, Bộ Chính trị và Ban Bí thư họp chung để tiếp tục xem xét chỉnh sửa và thông qua bản điếu văn. Các ủy viên Bộ Chính trị cho thêm nhiều ý, cân đối lại các phần cho hợp lý, chặt chẽ, sửa lại nhiều từ chuẩn xác, trong sáng, khúc chiết…

Khoảng 11h, bản điếu văn được Bộ Chính trị chấp nhận về cơ bản, ôngTố Hữu, ông Hoàng Tùng ủy viên BCH TƯ Đảng cùng hai ông Đậu Ngọc Xuân và Đống Ngạc tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh.

13h ngày 7/9/1969, việc sửa chữa bản điếu văn mới tạm ổn. Đây là lần chỉnh sửa lớn, công phu nhất. Phải qua 4,5 lần sửa chữa, chỉnh lý nữa trên cơ sở ý kiến của các lãnh đạo trong Bộ Chính trị: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Đến khoảng 20h ngày 7/9/1969, bản điếu văn mới được hoàn thiện. Tổng bí thư Lê Duẩn ký tắt cho đánh máy, chuyển sang Ban Đối Ngoại dịch ra 5 thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha.

Ông Đống Ngạc nhận xét, nếu so bản điếu văn đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản viết rạng sáng 7/91969 thì “bản điếu văn đã có nhiều từ ngữ chuẩn xác, nhiều đoạn, ý quan trọng sâu sắc và ý tứ nhuần nhuyễn hơn”.

Bản điếu văn của BCH TƯ Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một văn kiện lịch sử đặc biệt quý giá, một áng văn hào hùng, xúc động, chứa đựng tình cảm, tâm huyết, tinh hoa trí tuệ của các lãnh đạo: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng… và ông Đống Ngạc dành cho Người.

Kể từ ngày 9/9/1969, bản điếu văn của BCH TƯ Đảng đọc trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi với thời gian. Từng lời, từng chữ trong văn kiện lịch sử đó vẫn làm rung động trái tim, tâm hồn nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới.

“…Trước anh linh của Hồ Chủ tịch, chúng ta nguyện suốt đời trung thành với Người, đem hết tâm hồn và nghị lực, đoàn kết thành một khối sắt thép, phấn đấu quên mình, quyết làm tròn nghĩa vụ cao cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ta và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Hồ Chủ tịch đã qua đời! Nhưng Người luôn luôn dẫn dắt chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy có Người luôn luôn bên cạnh. Bởi vì chúng ta vẫn đi theo con đường của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người. Bởi vì Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, tên tuổi và hình ảnh của Người ngày càng khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi chúng ta”.

Trương Xuân Mai (cán bộ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch)

Bài mới
Đọc nhiều