Điều cần làm để đưa TPHCM trở thành Trung tâm tài chính Quốc tế
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế tầm cỡ, thành phố cần nắm bắt cơ hội, sớm hoàn thiện thể chế nhằm tạo làn sóng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
3 trụ cột và 5 giải pháp
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM cho biết, có 3 trụ cột cốt lõi TP.HCM cần hoàn thiện sớm để hình thành trung tâm tài chính này:
– Trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư.
– Trụ cột thị trường vốn còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề.
– Trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Trong khi đó, Việt Nam được xếp vào top 10 nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới nhưng cách thức giao dịch thương mại vẫn mang tính chất thủ công truyền thống.
Cũng theo ông Hòa, có 5 giải pháp để hoàn thiện các trụ cột trên.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia.
Về vấn đề này, có thể lựa chọn hình thức là Chính phủ giao cho một cơ quan chức năng tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với mục tiêu hình thành trung tâm tài chính. Hoặc có thể chọn giải pháp rút ngắn thời gian hơn bằng cách kế thừa, áp dụng mô hình trung tâm tài chính đã có sẵn trên thế giới.
Thứ hai, cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Thứ ba, cần có sự vào cuộc cơ quan trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, tạo nền tảng vững chắc, an toàn để thu hút cũng như hình thành những con sếu đầu đàn đủ sức tham gia vào cuộc chơi chung trên thị trường tài chính.
Thứ tư, cần xác định giá trị cốt lõi cho năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính làm điểm nhấn thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia. Điều này đòi hỏi phải xác định chọn thị trường ngách là một lĩnh vực nào đó hoặc chọn tổng thể các ngành trên thị trường toàn cầu. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho các định chế tài chính tương ứng.
Thứ năm, phải xây dựng nguồn nhân lực có đủ trình độ, thu hút từ nước ngoài hoặc đào tạo trong nước. Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư đồng bộ nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính…
Không để ách tắc nguồn vốn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5-3-2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong đó, công điện của Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp nhằm tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.
NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…), công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức tín dụng kinh doanh hiệu quả và các tổ chức tín dụng nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Công điện nhấn mạnh đến việc tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Việc tăng cường nguồn vốn cho nền kinh tế không chỉ là điều kiện đưa nền kinh tế vào phục hồi phát triển, mà còn là động lực chính thúc đẩy một trong ba trụ cột giúp hướng đến xây dựng một Trung tâm tài chính Quốc tế đặt tại TPHCM với nguồn vốn dồi dào nhằm thu hút hàng loạt đại bàng về làm tổ trong thời gian tới.
Thành An