Điều bất ngờ Nga nhận được khi ông Biden nhậm chức và thế khó của Mỹ
Khi ông Biden đắc cử, hầu hết các ý kiến cho rằng Nga sẽ gặp bất lợi. Tuy nhiên, thực tế, Moscow cũng có thể nhận được những phần thưởng bất ngờ.
Theo Russia Matters, sau mỗi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, hy vọng một lần nữa lại được thắp lên rằng chính quyền mới sẽ thành công hơn những người tiền nhiệm trong việc cải thiện quan hệ Mỹ- Nga.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2020 có thể phá vỡ khuôn mẫu đó. Nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào năm 2021, hẳn ông sẽ nhậm chức không phải với tư cách là một gương mặt mới trong các vấn đề đối ngoại mà là một cựu chiến binh có quan điểm và chính kiến tốt.
Trong đó, ông mang cả đôi chút thất vọng về cách cựu Tổng thống Barack Obama nỗ lực thiết lập lại quan hệ với Nga bắt đầu từ năm 2009.
Đây không phải là tin đặc biệt tốt đối với Điện Kremlin, hoặc đối với Tổng thống Nga Putin. Điều này có thể giải thích lý do ông Putin không gửi lời chúc mừng tới tổng thống đắc cử.
Khi ở Thượng viện, ông Biden luôn là nhà phê bình với mọi chính sách của Điện Kremlin, đồng thời tuân thủ các biện pháp trừng phạt quan trọng đối với Moscow để gây áp lực buộc Nga phải nhượng bộ trước một số vấn đề của Mỹ.
Là người ủng hộ việc mở rộng liên minh NATO, cựu phó tổng thống cũng là người có chung quan điểm với ông Obama về việc giúp đỡ Kyiv thoát khỏi quỹ đạo địa chính trị của Nga.
Ông Biden cũng luôn tìm cách giảm ảnh hưởng năng lượng của Nga, đặc biệt là với các nước châu Âu.
Hầu hết các lựa chọn vị trí an ninh quốc gia cấp cao trong chính quyền của ông đều có chung quan điểm với ông. Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris nhấn mạnh rằng bà sẽ “phản đối ông Putin để bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền và pháp quyền quốc tế”.
Anthony Blinken, ứng cử viên tiềm năng cho chức ngoại trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc “làm suy yếu Nga về mặt chính trị trong cộng đồng quốc tế và cô lập nước này về mặt chính trị”.
Cùng đó, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Blinken và những người được bổ nhiệm hàng đầu khác của ông Biden dự kiến sẽ “ đưa ra một cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga ”.
Ông Biden cũng thường xuyên thể hiện ông là người có tiếng nói ôn hòa và thận trọng khi đứng trong đội ngũ an ninh quốc gia dưới chính quyền ông Obama. Chính quyền ông Biden có thể sẽ làm giảm khả năng “thao túng” của Nga trên trường quốc tế.
Trong bốn năm, Điện Kremlin đã khai thác thành công sự khó đoán và nhiều nghi vấn của chính quyền Trump để thuyết phục các đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Âu và châu Á cải thiện quan hệ của họ với Moscow.
Ông Biden có khả năng sẽ khôi phục lại những tổn thất trong quan hệ Mỹ-Đức và cố gắng tái tạo lại sự đồng thuận Berlin-Washington thời Obama trong việc đối phó với Nga, đặc biệt là việc triển khai các lệnh trừng phạt.
Nếu chính quyền ông Biden có thể làm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, điều này có thể làm giảm việc hỗ trợ Nga của Bắc Kinh, đặc biệt khi ông Biden khắc phục một số thiệt hại của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời ông Donald Trump. Ngoài ra, chính quyền Biden có khả năng sẽ khởi động lại các nỗ lực ngoại giao để can dự với Iran, làm giảm uy lực của Nga đối với Tehran; và tái tham chiến ở Syria.
Từ Belarus đến Venezuela, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ tận dụng tối đa sức mạnh ngoại giao và kinh tế của Mỹ để chống lại các nỗ lực của Nga.
Do đó, Nga sẽ khó lòng thu được lợi ích gì từ chính quyền ông Biden. Về phần mình, dù chính quyền ông Biden muốn có một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới nhưng việc triển khai thỏa thuận này cũng có lợi cho Nga.
Ở một khía cạnh khác, nếu đội ngũ của ông Biden quyết định rằng họ cần một khoảng thời gian hòa bình và yên tĩnh để nhằm phục hồi sau đại dịch, thì có lẽ Moscow và Washington có thể tái tham gia vào đối thoại “ổn định chiến lược” cũng như hạn chế căng thẳng ở những vùng chiến sự như Syria.
Việc gia hạn thỏa thuận START Mới và tìm cách tái thiết lập các hiệp định Bầu trời mở và Hiệp ước INF cũng sẽ ngăn mối quan hệ Nga-Mỹ không xấu đi thêm nữa.
Thu Hương/NDT