+
Aa
-
like
comment

Diện mạo khu Nam Sài Gòn với những dự án nghìn tỷ

25/06/2020 07:30

Dù đi sau các khu vực khác, Nam Sài Gòn nhanh chóng trở thành tâm điểm đầu tư nhờ hàng loạt dự án hạ tầng, phát triển đô thị trọng điểm của TP.HCM.

Đại gia địa ốc đua nhau rót vốn

Khu đô thị mới phía Nam TP được quy hoạch với quy mô 2.965 ha gồm các phần đất thuộc địa bàn quận 7, 8 và huyện Bình Chánh dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh. Đến nay, toàn khu vực mới chỉ phát triển 30-35% diện tích với hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Sự phát triển của Nam Sài Gòn chính thức đánh dấu vào năm 1996 với sự kiện khởi công xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh do Tập đoàn Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Từ đó đến nay, hàng loạt tên tuổi lớn trong và ngoài nước như: NovaLand, Hưng Thịnh, Keppel Land, Đất Xanh, Khang Điền, Nam Long,… đã có mặt tại đây với các dự án đầu tư quy mô lên đến hàng trăm hecta, góp phần khiến thị trường bất động sản Nam Sài Gòn trở nên sôi động. Ghi nhận chỉ trong một năm từ cuối 2018 đến cuối 2019, giá bất động sản ở tất cả phân khúc đất nền, nhà phố và căn hộ đều tăng khoảng 20%, trong đó nhiều dự án căn hộ cao cấp có giá chạm mức 70-90 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2019.

Phú Mỹ Hưng – đòn bẩy bất động sản Nam Sài Gòn

Là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, hạ tầng khu đô thị Phú Mỹ Hưng góp vai trò là hạt nhân trong làm thay đổi diện mạo đô thị khu vực Nam Sài Gòn. Những công trình, dự án tỷ USD được triển khai thực hiện trong nhiều năm, hình thành nên một trung tâm văn hóa, thương mại và tài chính hiện đại ở phía Nam thành phố. Đối với các dự án nhà ở, chủ yếu Phú Mỹ Hưng hướng đến phân khúc cao cấp với các dự án biệt thự hạng sang và căn hộ cao cấp. So với thời điểm mở bán, các dự án căn hộ của đại gia này đều có mức tăng giá khoảng 10-40%. Một số dự án mới mở bán trong 2019 của chủ đầu tư này đã chạm mốc khoảng 90 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đơn vị này cũng phát triển một số dự án nhà ở giá khởi điểm 2 tỷ đồng/căn cho những người có thu nhập trung bình. Sau 27 năm phát triển, quỹ đất còn lại trong khu đô thị do Phú Mỹ Hưng trực tiếp đầu tư chỉ còn 37,4 ha, trong đó 18% diện tích là đất xây dựng nhà ở, còn lại là đất dành cho các công trình thương mại, trường học,…

Tắc nghẽn thường xuyên, vấn đề vệ sinh

Trong 10 năm trở lại đây, tình trạng các chủ đầu tư địa ốc ồ ạt kéo về thị trường khu Nam TP.HCM đã tạo sức ép lớn lên hệ thống giao thông và tiện ích khu vực. Các công trình chính kết nối khu Nam với khu trung tâm thành phố như đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương… đều đang chịu cảnh tắc nghẽn thường xuyên vào các khung giờ cao điểm. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh môi trường đã kéo dài trong nhiều năm ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh). Năm 2018, hơn 5 tỷ USD kinh phí đầu tư đã được đưa ra để phát triển loạt dự án như hệ thống hầm chui – cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát, mở rộng đường trục Bắc – Nam đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh, mở rộng và xây dựng đường song hành quốc lộ 50, xây Cầu Thủ Thiêm 4, tuyến Metro số 4… với kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng cho khu vực này.

Phạm Ngôn – Hà Bùi/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều